Thủ tướng: Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã biến 'nguy thành cơ' trong phòng, chống dịch COVID-19

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 5/11, Quốc hội dành thời gian để ĐBQH chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các vấn đề đang được cử tri, nhân dân quan tâm.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, đại dịch COVID-19 có thể xem là "phép thử" vô cùng ngặt nghèo đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng là đối với cả hệ thống chính trị.

Trước diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực cũng như tình hình dịch bệnh, nguy cơ xuất hiện các tình huống như đại dịch COVID-19, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Thủ tướng cho biết kinh nghiệm rút ra và các bài học cụ thể để dự liệu, dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, bảo đảm xử lý hiệu quả, không bị động bất ngờ.

ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Trả lời chất vấn ĐBQH Trịnh Xuân An, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Hơn 2 năm vừa qua chúng ta chống dịch, phải nói rằng, đây là một dịch bệnh không có tiền lệ, không dự báo được và mất rất nhiều công sức cho đến giờ này".

Theo Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sẽ có tổng kết lại để có những bài học kinh nghiệm, đưa ra nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Trước khi có tổng kết một cách cụ thể, Thủ tướng cũng đã tổng kết được một số vấn đề: Trong chống dịch có 3 trụ cột chính là xét nghiệm – cách ly – điều trị hiệu quả; Công thức chống dịch là 5K + vaccine + điều trị + công nghệ + ý thức người dân...

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn ĐBQH.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn ĐBQH.

Thủ tướng phân tích, khi chúng ta chưa tiếp cận được vaccine, chưa hiểu biết được virus này thế nào nên phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch. Sau đó, khi nhận thấy biện pháp hành chính khó thành công nên thúc đẩy vaccine, cụ thể là tiêm vaccine. Ngoài ra, quan điểm chống dịch là "đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết" và "chống dịch từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở" thể hiện quan điểm này rất rõ.

"Với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế chúng ta đã thành công. Những thành công cũng thấy rất rõ về yếu tố khách quan và chủ quan", Thủ tướng nói.

Nói về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Tôi thấy, tinh thần đại đoàn kết dân tộc rất quan trọng. Trên cơ sở lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì tinh thần đại đoàn kết dân tộc khi gặp khó khăn đã "biến nguy thành cơ". Tất nhiên, chúng ta kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại".

Bên cạnh đó, là phải hoàn thiện thể chế. Đặc biệt, Thủ tướng nói: "Quốc hội rất sáng suốt khi ban hành Nghị quyết 30 để kịp thời xử lý vấn đề liên quan đến thể chế".

Ngoài ra, Thủ tướng nhắc đến việc cần phải tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng bởi người dân ở xã, phường nên y tế cơ sở rất quan trọng, đặc biệt khi tình hình dịch bệnh phức tạp.

Mộc Trà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thu-tuong-suc-manh-dai-doan-ket-dan-toc-da-bien-nguy-thanh-co-trong-phong-chong-dich-covid-19-169221105171148216.htm