Thủ tướng yêu cầu lập phương án sơ tán thiên tai đến từng hộ dân

Để phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các xã, phường, đặc khu lập phương án sơ tán đến từng hộ dân, truyền tin cảnh báo sớm nhất, dễ hiểu nhất.

Chiều 24-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc thù trên cả nước.

Phòng ngừa phải từ sớm, ứng phó phải bình tĩnh, khắc phục phải chung tay

Sau khi nghe các báo cáo, kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết, các báo cáo, ý kiến đã cho thấy bức tranh tổng thể về hoạt động phòng thủ dân sự nói chung và công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn nói riêng. Thời gian qua, tần suất và tác hại của thiên tai đối với đất nước ta ngày càng nặng nề, vượt qua mọi kỷ lục.

Từ thực tiễn như vậy, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã cố gắng rồi nhưng vẫn phải cố gắng nhiều hơn nữa, nỗ lực rồi nhưng mà phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đã quyết tâm rồi nhưng mà phải quyết tâm hơn nữa. Và các công tác nắm tình hình rồi ứng phó, khắc phục phải hết sức hiệu quả.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, trong hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản: Phòng ngừa phải từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn, hiệu quả; khắc phục phải chung tay, cơ bản, toàn dân, toàn diện, toàn phần.

Thủ tướng cho biết, đối mặt với những diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khốc liệt, dưới sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Nhất là các lực lượng tuyến đầu, lực lượng quân đội, công an đã luôn sẵn sàng vào cuộc, hỗ trợ người dân.

Thủ tướng lấy ví dụ, tới thời điểm chiều ngày 24-7, đã có 6 chuyến bay trực thăng của Bộ Quốc phòng với 18 tấn hàng được đưa tới các xã của Nghệ An và các chuyến bay sẽ được tiếp tục.

Nhìn rộng hơn, về tổng nguồn lực huy động từ Trung ương và toàn xã hội cho ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Chính phủ đã huy động 5.530 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để hỗ trợ các địa phương. Về hiện vật, đã xuất cấp 1.052 tấn gạo, 629 tấn hạt giống các loại và 90.000 lít hóa chất khử trùng từ dự trữ quốc gia.

Các địa phương cũng nỗ lực rất lớn trong việc khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời Thủ tướng cũng rất trân trọng và cảm ơn sự hỗ trợ to lớn kịp thời của cộng đồng quốc tế, các quốc gia, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ đã hỗ trợ Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng huy động khoảng gần 3.000 tỉ đồng.

Trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, công tác phòng thủ dân sự, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn vẫn được duy trì liên tục, cơ bản thông suốt.

Khẩn trương hoàn thiện bộ máy về phòng thủ dân sự quốc gia

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại để có giải pháp khắc phục kịp thời. Đó là thiệt hại về người vẫn còn rất lớn; công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin chưa theo kịp thực tiễn; vẫn còn có trường hợp chủ quan của người dân; năng lực chống chịu của hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế...

Thủ tướng cho biết, dự báo diễn biến thiên tai thời gian tới còn hết sức phức tạp, không theo quy luật. Do vậy, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 và những năm tiếp theo đặt ra các yêu cầu nhiệm vụ hết sức cấp bách và toàn diện.

 Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc thù trên cả nước.

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc thù trên cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải thay đổi căn bản về tư duy, dứt khoát chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; ứng phó phải hiệu quả, kịp thời; khắc phục phải hiệu quả; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, xây dựng xã, phường, đặc khu là pháo đài, lấy quản lý rủi ro thiên tai làm trọng tâm trong mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện về thể chế phù hợp tình hình mới; tạo đột phá về năng lực dự báo, năng lực ứng phó và năng lực khắc phục hậu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cần thiết, bảo đảm "bốn tại chỗ".

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện bộ máy từ Trung ương tới cơ sở về phòng thủ dân sự quốc gia, trong đó Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan liên quan.

'Tin bão phải đi nhanh hơn gió bão'

Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng duy trì nghiêm công tác ứng trực, phòng thủ dân sự các cấp, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống có thể xảy ra; đồng thời phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện công tác tuyên truyền; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện công tác dự báo; phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ xây dựng, triển khai hệ thống tổng đài 112 phục vụ cho tiếp nhận xử lý thông tin về sự cố, thảm họa, đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ứng phó thảm họa cháy lớn ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; phối hợp tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng, ứng phó sự cố, thảm họa theo quy định; nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng sự cố, thảm họa để kích động chống phá.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hậu quả thảm họa thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; cứu trợ đột xuất các đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố, thiên tai, thảm họa; chủ trì công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn…

Bộ Y tế chịu trách nhiệm công bố, thông tin về tình hình dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng và biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp lập Quỹ Phòng thủ dân sự, cân đối, ngân sách bố trí cho các dự án đầu tư phát triển thuộc lĩnh vực phòng thủ dân sự…

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu kiện toàn ngay Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh và chỉ đạo kiện toàn ở cấp xã, đảm bảo một hệ thống chỉ huy thống nhất, thông suốt, hiệu quả; rà soát, cập nhật lại toàn bộ phương án ứng phó; chịu trách nhiệm trực tiếp về năng lực của cấp xã.

Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu xây dựng lực lượng xung kích tại chỗ phù hợp; lập phương án sơ tán đến từng hộ dân; truyền tin cảnh báo sớm nhất, dễ hiểu nhất.

“Tin bão phải đi nhanh hơn gió bão, phải dùng mọi phương tiện như loa truyền thanh, Zalo, gõ kẻng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, thông điệp phải thật ngắn gọn, rõ ràng, ví dụ như: 'Bão sắp vào, yêu cầu sơ tán ngay! Chính quyền hỗ trợ, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản!'", Thủ tướng nhấn mạnh.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-yeu-cau-lap-phuong-an-so-tan-thien-tai-den-tung-ho-dan-post862211.html