Thưa vắng người học liên thông

Sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng có thể liên thông lên đại học ngay sau khi tốt nghiệp. Ảnh: THÚY HẰNG

Chỉ tiêu cũng như đầu vào các trường đại học ngày càng rộng mở nên phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chọn học đại học; số người học cao đẳng, trung cấp không nhiều nên nguồn tuyển sinh đào tạo liên thông ngày càng ít.

Cạn nguồn tuyển

Phần lớn các trường đại học đào tạo liên thông với mục tiêu chính là phục vụ cho sinh viên tốt nghiệp bậc cao đẳng của chính trường mình. Trong khi từ năm 2020 các trường đại học buộc phải dừng hẳn tuyển sinh bậc cao đẳng, nên nguồn tuyển sinh chính không còn.

Năm 2021, Trường đại học Xây dựng Miền Trung chỉ tuyển 50 chỉ tiêu đại học liên thông chính quy đối với hai ngành Kỹ thuật Xây dựng và Kiến trúc. Theo trường này, dù chỉ tiêu không nhiều nhưng chưa chắc sẽ tuyển đủ, vì những năm gần đây, kết quả tuyển sinh hệ liên thông ngày càng giảm dù lịch học được trường sắp xếp linh hoạt, tạo thuận lợi cho người học.

Tại Trường đại học Phú Yên, lượng người theo học hệ đại học liên thông chính quy cũng không nhiều. TS Lê Thị Kim Loan, phụ trách Phòng Đào tạo của nhà trường, cho biết vài năm trở lại đây, tuyển sinh hệ liên thông từ cao đẳng lên đại học ngày càng khó. Chẳng hạn, năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông từ cao đẳng lên đại học chính quy các ngành Giáo dục tiểu học, Sư phạm Tin học, Công nghệ thông tin, Hóa học chỉ có 20-35 người/ngành, song vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Tuyển sinh đại học học liên thông ngày càng thưa vắng người học được các trường cho là nhiều năm qua chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy ngày càng tăng, đầu vào đại học cũng dễ dàng hơn nên phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thì vào học đại học; số người học cao đẳng, trung cấp ngày càng giảm. Ngay cả hệ tuyển sinh đại học chính quy, nhiều trường đại học còn tuyển không đủ chỉ tiêu, học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể vào đại học nên số lựa chọn học cao đẳng sau đó học liên thông ngày càng ít. Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên Võ Nguyên Hòa, khoảng 5-10 năm trở về trước, số lượng người theo học hệ liên thông, vừa làm vừa học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên rất đông, vì có số lượng lớn thí sinh đã học xong cao đẳng, trung cấp muốn học nâng cao lấy bằng đại học vì trước đó không trúng tuyển đại học. Nay số đó không còn nhiều nên nguồn tuyển cạn.

Một nguyên nhân khác nữa làm cho loại hình đào tạo này không còn “sức sống”, đó là có một bộ phận những người đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp không có nhu cầu học lên đại học vì thị trường lao động hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực ngoài nhà nước, không đặt nặng nhu cầu bằng cấp mà sử dụng những lao động có năng lực, trả lương theo năng lực…

Cơ chế tuyển sinh

Trước đây việc tuyển sinh đại học chỉ theo hình thức kỳ thi chung, thí sinh có ngưỡng điểm thấp hơn điểm sàn quy định sẽ khó vào đại học. Trong khi với cơ chế hiện nay, các trường đại học mở rộng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó ở hình thức xét học bạ thì hầu như thí sinh nào có nhu cầu học đại học đều trúng tuyển. Vậy thì lấy đâu ra người cần học liên thông?

Theo các trường, đa dạng hóa loại hình đào tạo nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội học tập. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay thì có thể trong vài năm tới, số lượng trường có tổ chức tuyển sinh, đào tạo đại học liên thông sẽ không còn nhiều bởi các trường sẽ tập trung để đào tạo hệ chính quy. ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Xây dựng Miền Trung) chia sẻ: Phần lớn các trường đại học đào tạo liên thông với mục tiêu chính là phục vụ cho sinh viên tốt nghiệp bậc cao đẳng của chính trường mình. Trong khi từ năm 2020 các trường đại học buộc phải dừng hẳn tuyển sinh bậc cao đẳng, nên nguồn tuyển sinh chính không còn. “Nhu cầu học liên thông của sinh viên tốt nghiệp cao đẳng không còn nhiều như trước đây. Phần lớn người học khi tốt nghiệp các bậc học này có xu hướng đi làm ngay, đặc biệt là sinh viên các ngành kỹ thuật và kinh tế. Do đó, chỉ tiêu tuyển sinh loại hình đào tạo này của trường cũng giảm hẳn”, ThS Nguyễn Vân Trạm nói.

Lợi thế khi học cao đẳng đó chính là tiết kiệm thời gian, trong khoảng 2,5 năm học cao đẳng sinh viên vừa được học kiến thức, vừa được học thực hành. Sau khi học xong cao đẳng, nếu bạn nào muốn liên thông đại học sẽ mất khoảng 1,5-2 năm. Cộng lại thì thời gian học của cả hệ cao đẳng và đại học sẽ từ 4-4,5 năm, bằng thời gian học đại học chính quy.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/258093/thua-vang-nguoi-hoc-lien-thong.html