Thúc đẩy các nghiên cứu xuất sắc tại các trường đại học

Ngày 28/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia phối hợp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 'Thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh'.

Nhà khoa học trình bày tham luận tại hội thảo.

Nhà khoa học trình bày tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, các nhà khoa học nhấn mạnh, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Số lượng công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (bài báo quốc tế) của Việt Nam tăng khoảng 20% mỗi năm; số lượng các nhà khoa học trẻ chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và tương đương gia tăng mạnh về số lượng ở các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước.

Các kết quả đáng khích lệ trên là cơ sở để nền khoa học cả nước hướng tới những mục tiêu cao hơn, trong đó có việc đầu tư cho các nghiên cứu dài hạn, liên ngành, đột phá, xuất sắc.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, khoa học và công nghệ, giáo dục đại học và đổi mới sáng tạo có vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế-xã hội ở các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển.

Trong nền kinh tế tri thức, khoa học và công nghệ, giáo dục đại học và đổi mới sáng tạo cung cấp tri thức, nhân lực và các yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế.

Vì vậy, phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục đại học và đổi mới sáng tạo không những được coi là nền tảng phát triển kinh tế-xã hội mà đã trở thành xu hướng lựa chọn tất yếu của nhiều quốc gia.

Quá trình phát triển các quốc gia trên thế giới đã chứng minh rằng, quốc gia nào nắm giữ và làm chủ được công nghệ và tri thức mới, quốc gia đó sẽ phát triển.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Bách Thắng, từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, nhóm nghiên cứu mạnh được dẫn dắt bởi một giáo sư ở vai trò chủ nhiệm ((PI)/trưởng nhóm) là một trong những giải pháp để từ đó hình thành nhà khoa học đầu ngành.

Nhóm nghiên cứu mạnh là nòng cốt cho việc xây dựng và thực hiện các mũi nhọn nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm nghiên cứu cụ thể, mang tính trường phái.

Khi đó, nhóm nghiên cứu mạnh vừa là môi trường để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học đầu ngành, vừa là nơi để thu hút các nhà khoa học đầu ngành, lực lượng nghiên cứu chất lượng cao trong nước và quốc tế.

Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài cho thấy, các nhóm nghiên cứu mạnh là hạt nhân phát triển của những trung tâm xuất sắc. Cho nên, các cơ sở giáo dục đại học trong nước đã và đang có sự quan tâm đến việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh.

Thông qua việc xây dựng các tiêu chí nhóm nghiên cứu mạnh đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực chuyên môn của các thành viên, nhất là nhân sự trưởng nhóm phải chuyên sâu và liên ngành, có khả năng triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-cac-nghien-cuu-xuat-sac-tai-cac-truong-dai-hoc-post816587.html