Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, thời gian qua, Đắk Nông đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Điều này đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao giá trị cây trồng và thu nhập cho người dân.

Lợi thế lớn về nông nghiệp

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 295.000 ha cây trồng chủ lực, với sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm. Trong đó, cà phê có 135.000 ha, sản lượng đạt trên 350.000 tấn; hồ tiêu 35.000 ha, sản lượng là 60.000 tấn; cao su 23.000 ha, sản lượng đạt khoảng 31.000 tấn; điều 18.000 ha, sản lượng 20.000 tấn/năm.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 15.000 ha các loại cây ăn trái, với sản lượng tầm 80.000 tấn/năm; cây hàng năm với diện tích 69.000 ha, sản lượng đạt 527.000 tấn/năm.

 Công ty TNHH Thái Thịnh (Đắk Song) đầu tư nhà máy chế biến phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu

Công ty TNHH Thái Thịnh (Đắk Song) đầu tư nhà máy chế biến phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu

Toàn tỉnh, có 169 tổ chức, cá nhân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn khác trong sản xuất, với tổng diện tích được chứng nhận trên 25.333 ha.

Trong đó, khoảng hơn 2.000 ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; hơn 464 ha áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ; trên 22.790 ha áp dụng các tiêu chuẩn khác như 4C, UTZ, Rainforest, Flo…

Thu hút các doanh nghiệp đầu tàu

Theo Sở Công thương, các sản phẩm xuất khẩu của Đắk Nông đang có mặt tại 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, hàng hóa Đắk Nông xuất khẩu đến khu vực nhiều nhất là thị trường thuộc các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thị trường của các sản phẩm chủ lực chủ yếu là cà phê xuất sang Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Australia; điều xuất sang Singapore, Indonesia, Australia, Đức, Trung Quốc; tiêu đen xuất qua Singapore, Hàn Quốc…

Để nâng cao giá trị cho nông sản, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.

Tỉnh thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản cũng như công nghệ mới, để nâng quy mô sản xuất, phục vụ cho việc chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

 Rang xay cà phê tại Công ty TNHH Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa)

Rang xay cà phê tại Công ty TNHH Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa)

Trong kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Đắk Nông đã nhấn mạnh tới việc xây dựng cơ chế chính sách linh hoạt trong thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, trái cây...

Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Đắk Nông sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ trong công nghiệp chế biến hàng nông sản xuất khẩu thông qua chương trình khuyến công địa phương và quốc gia.

Qua đó, tỉnh giảm thiểu xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế, tăng chế biến sâu và chứa hàm lượng công nghệ cao, giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Tỉnh tiếp tục duy trì phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, góp phần tiêu thụ nông sản. Tỉnh đẩy mạnh chuyển ngành công nghiệp từ hình thức gia công sang sản xuất thành phẩm, xuất khẩu trực tiếp.

Các doanh nghiệp tiếp tục được tạo điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là các dự án sản xuất xuất khẩu nhằm gia tăng nguồn lực cho xuất khẩu.

Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh cũng được chú trọng. Qua đó, tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, xây dựng kênh phân phối, mở rộng mạng lưới bán hàng, tìm kiếm cơ hội quảng bá sản phẩm nông sản...

Bài, ảnh: Lê Dung

1,835

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/thuc-day-doanh-nghiep-dau-tu-vao-nong-nghiep-93281.html