THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC CHO TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM

Báo cáo tham luận tại Hội nghị AIPA Caucus 14, Đoàn đại biểu Việt Nam khẳng định, Quốc hội Việt Nam luôn chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhiều đạo luật đã được xây dựng và rà soát, sửa đổi bổ sung để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững, nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế.

Phiên thảo luận thứ Hai, Hội nghị AIPA Caucus 14 với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Phiên thảo luận thứ Hai, Hội nghị AIPA Caucus 14 với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Hội nghị Nhóm Tư vấn Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA Caucus) lần thứ 14 do Quốc hội Việt Nam chủ trì, đăng cai tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững”. Tại phiên thảo luận toàn thể thứ Hai, Hội nghị đã tiến hành thảo luận về chủ đề này.

Báo cáo về chủ đề của Hội nghị, thay mặt Đoàn ĐBQH Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội cùng với không ít khó khăn và thách thức trong tiến trình phát triển. Khoa học và công nghệ phát triển nhanh và có tác động mạnh mẽ đến các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội trên toàn thế giới. Độ mở của nền kinh tế vừa tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cập nhật nhanh chóng các xu hướng công nghệ tiên tiến của thế giới nhưng cũng khiến nền kinh tế phải chịu nhiều tác động và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, của sự bảo hộ thương mại giữa các quốc gia. Các khó khăn do thiên tai, sự cố môi trường, dịch bệnh mà gần đây nhất là dịch Covid-19 càng đòi hỏi Việt Nam phải quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị.

Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị.

Mặc dù gặp khó khăn, thách thức nêu trên, nhìn lại 5 năm qua, khoa học và công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Nổi bật là xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016 – 2020, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp. Báo cáo GII năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết, để thúc đẩy phát triển, đòi hỏi hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia cần phải đáp ứng các điều kiện, vấn đề phát sinh mới trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Do đó, Quốc hội Việt Nam luôn chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhiều đạo luật đã được xây dựng và rà soát, sửa đổi bổ sung để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững, nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế. Hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng; cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tăng cường hội nhập quốc tế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến báo cáo tại Hội nghị.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến báo cáo tại Hội nghị.

Một số đạo luật chính đã được ban hành như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Sở hữu trí tuệ... các chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như bảo đảm chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học, công nghệ…

Trong giai đoạn này tư duy quản lý hoạt động khoa học và công nghệ được đổi mới mạnh mẽ và luôn cập nhật với các xu hướng quốc tế tiến bộ. Những đổi mới tích cực nhất trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tập trung vào việc hoàn thiện đầu tư và cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hoàn thiện các chính sách thu hút, sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài để từng bước hình thành đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến nhấn mạnh, bên cạnh các hoạt động lập pháp, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội Việt Nam cũng đã tăng cường hoạt động giám sát về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hàng năm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật khoa học và công nghệ, giám sát việc sử dụng ngân sách chi cho khoa học và công nghệ… Gần đây nhất, và cũng là lần đầu tiên, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trả lời chất vấn về việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập, Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ…

Thông qua các hoạt động giám sát nêu trên, Quốc hội yêu cầu tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, bảo đảm từ 2% tổng chi ngân sách nhà nước trở lên theo quy định của Luật khoa học và công nghệ. Việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ tại các cơ quan, địa phương cũng cần kiểm tra chặt chẽ. Chính phủ, Bộ, ngành cũng phải tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế; hoàn thiện hành lang pháp lý về quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, cơ chế đối tác công tư, tạo hành lang pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư cộng đồng và các nền tảng công nghệ số để huy động vốn. Quốc hội yêu cầu sớm ban hành và thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát chính sách mới, đặc thù, vượt trội đối với nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao; công nhận, đăng ký các dịch vụ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới. Hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải được hình thành; đồng thời thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp Hồ Chí Minh…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn điều hành Phiên thảo luận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn điều hành Phiên thảo luận.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến khẳng định, các chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ cùng với hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện đã tạo cơ sở và tiền đề cho khoa học và công nghệ phục vụ hiệu quả tăng trưởng kinh tế, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia. Việc xác định đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ cao là một nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng quốc gia khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển nhanh - bền vững đất nước. Đây là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện thành công những mục tiêu phát triển đất nước mà Việt Nam đã đề ra.

Nhằm tăng cường hợp tác về đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ phục vụ tăng trưởng trong ASEAN, Đoàn Việt Nam đề nghị các Nghị viện thành viên AIPA quan tâm một số vấn đề như sau:

Thứ nhất: Với vai trò lập pháp, các Nghị viện thành viên cần chủ động, tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho việc đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ; mạnh dạn cho phép thí điểm và hỗ trợ những mô hình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp (sandbox); quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ hai: Tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật đã ban hành liên quan đến phát triển và đổi mới sáng tạo tại mỗi quốc gia.

Thứ ba: Trao đổi về các bài học kinh nghiệm mà Nghị viện các nước có được trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77946