Thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

Sáng 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên họp toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước với chủ đề 'Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng'.

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Đây là diễn đàn thông tin hai chiều, giữa Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trong nước, nhằm phát huy vai trò tiên phong của công tác đối ngoại trong thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ triển khai các nhiệm vụ đột phá chiến lược; tăng cường hiệu quả phối hợp về ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam; chia sẻ thông tin về yêu cầu đặt ra đối với thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Văn Thảo - Đại sứ Việt Nam tại Bỉ - Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu âu (EU) nhấn mạnh: "Doanh nghiệp chúng ta phải tăng cường được năng lực cạnh tranh của sản phẩm và của doanh nghiệp chúng ta. Vấn đề thứ 2 chúng ta phải có sự liên kết chặt chẽ tạo ra lợi ích đan xen giữa các doanh nghiệp của chúng ta với nhau và với doanh nghiệp của chúng ta với doanh nghiệp Quốc tế để tạo ra sự phát triển bền vững. Điểm nữa là công tác xúc tiến thương mại đầu tư của chúng ta cần được triển khai một cách chuyên nghiệp hóa, phù hợp với từng địa bàn, từng sở tại, từng lĩnh vực và phù hợp với văn hóa, thị hiếu tiêu dùng của thị trường".

"Ngoại giao kinh tế sẽ được tiếp tục để làm sao mà VIETCHAM thực hiện được các kỳ vọng đề ra, tập hợp được đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn kinh doanh tại Thái Lan, là thành viên, hội viên của VIETCHAM để VIETCHAM ngày càng lớn mạnh, và xứng đáng trở thành một tổ chức, một mô hình ngoại giao kinh tế trong bối cảnh mới" - ông Phan Chí Thành – Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan chia sẻ.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, các bộ ngành Trung ương, địa phương tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII và Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế; thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; Phát huy tính tự lực tự cường, tính chủ động sáng tạo trong thực hiện công tác ngoại giao kinh tế; thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các ngành, địa phương, thực sự lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm để phục vụ./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thuc-day-ngoai-giao-kinh-te-phuc-vu-phat-trien-dat-nuoc-209973.htm