Thúc đẩy quan hệ và giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu

Sau chuyến đi Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã trở lại Ấn Độ lần thứ ba trong vòng 9 tháng. Chuyến thăm lần này bên cạnh mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ thương mại song phương, còn là để gặp các bộ trưởng tài chính của Nhóm G20 thảo luận những thách thức kinh tế toàn cầu như nguy cơ vỡ nợ gia tăng mà các nước có thu nhập thấp phải đối mặt.

Bộ trưởng Tài chính và Doanh nghiệp Ấn Độ Nirmala Sitharaman và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen trong cuộc họp lần thứ 9 về Quan hệ Đối tác Tài chính Kinh tế Ấn Độ-Hoa Kỳ, tại New Delh tháng 11.2022. Ảnh: itelegraphindia

Bộ trưởng Tài chính và Doanh nghiệp Ấn Độ Nirmala Sitharaman và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen trong cuộc họp lần thứ 9 về Quan hệ Đối tác Tài chính Kinh tế Ấn Độ-Hoa Kỳ, tại New Delh tháng 11.2022. Ảnh: itelegraphindia

Thúc đẩy quan hệ song phương

Trả lời các phóng viên ở Gandhinagar, thủ phủ của bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, hôm 16.7, bà Yellen cho biết, chuyến đi sẽ là cơ hội thúc đẩy mối quan hệ nồng ấm giữa Mỹ và Ấn Độ. Bên cạnh đó, một mục tiêu khác của bà trong thời gian ở Ấn Độ là thúc đẩy tái cơ cấu nợ ở các nước đang phát triển gặp khó khăn về kinh tế, thúc đẩy hiện đại hóa các ngân hàng phát triển toàn cầu, hướng cho các ngân hàng này tập trung hơn vào khí hậu và làm sâu sắc thêm mối quan hệ Mỹ-Ấn đang ngày càng phát triển.

Tổng thống Joe Biden đã tổ chức chuyến thăm cấp nhà nước tại Nhà Trắng để vinh danh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 6, được thiết kế để làm nổi bật và thúc đẩy mối quan hệ. Hai nhà lãnh đạo tuyên bố mối quan hệ Mỹ-Ấn chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế và đưa ra các thỏa thuận kinh doanh mới giữa các quốc gia.

Mối bận tâm của Mỹ

Đối với Mỹ, mối quan hệ lâu dài của Ấn Độ với Nga là vấn đề nước này khá bận tâm. Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, bất chấp những nỗ lực của Mỹ và các nước đồng minh nhằm trừng phạt kinh tế Nga. Ấn Độ đã không tham gia vào bất kỳ nỗ lực nào như vậy và vẫn duy trì thương mại năng lượng với Moscow.

Bà Yellen nói rằng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine là điều tốt nhất duy nhất chúng ta có thể làm cho nền kinh tế toàn cầu. Bà cho biết Hoa Kỳ coi Ấn Độ là một đối tác không thể thiếu trong chiến lược kết bạn để tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Bà cũng lưu ý rằng tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tăng trưởng ở nhiều quốc gia khác. “Đó là điều mà tôi đã thảo luận với các đối tác Trung Quốc của mình. Tôi nghĩ người Trung Quốc rất muốn thông báo rằng môi trường kinh doanh của họ cởi mở và mong muốn chứng kiến đầu tư nước ngoài tăng mạnh”, bà Yellen nói.

Mối bận tâm của Ấn Độ

Raymond Vickery Jr., một chuyên gia chính sách về quan hệ Mỹ-Ấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết việc Yellen đến Ấn Độ ngay sau khi thăm Trung Quốc có ý nghĩa ở chỗ các quan chức Ấn Độ “sẽ muốn biết rất chi tiết những gì đã xảy ra ở các cuộc gặp với các đối tác Trung Quốc và xem nó phù hợp với quan điểm của họ về quan hệ kinh tế với Trung Quốc ở điểm nào”.

“Họ sẽ muốn biết liệu Hoa Kỳ có thực sự nghiêm túc trong việc chuyển một số hoạt động tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc sang Ấn Độ hay không”.

Vấn đề tái cơ cấu nợ cho nước nghèo

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ giấu tên cho biết, nhiều khả năng các biện pháp xử lý nợ cho Ghana và Sri Lanka sẽ được thảo luận và hoàn thành nhanh chóng tại các cuộc họp.

Sri Lanka và Ghana đã vỡ nợ quốc tế vào năm ngoái, gần hai năm sau khi Zambia vỡ nợ. Và hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp phải đối mặt với tình trạng khó khăn về nợ nần, điều này làm tổn hại đến khả năng hoạt động và phát triển lâu dài của họ.

Tháng trước, Zambia và các chủ nợ, bao gồm cả Trung Quốc, đã đạt được thỏa thuận tái cơ cấu khoản vay 6,3 tỷ USD , bên lề hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn cầu tại Paris.

Thỏa thuận bao gồm các khoản vay từ các quốc gia như Pháp, Anh, Nam Phi, Israel và Ấn Độ cũng như Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất của Zambia với tổng số 4,1 tỷ USD. Thỏa thuận này có thể cung cấp một lộ trình về cách Trung Quốc sẽ xử lý các thỏa thuận tái cơ cấu với các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần.

Chuyến đi của bà Yellen diễn ra ngay sau khi bà có một tuần ở Trung Quốc, gặp gỡ các quan chức Bộ Tài chính Trung Quốc, thảo luận về các biện pháp đã đũa thương mại lẫn nhau và các mối quan ngại về an ninh quốc gia.

Harold W. Furchtgott-Roth, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson, cho biết chuyến đi của bà Yellen tới Ấn Độ “phản ánh một liên minh đang phát triển tự nhiên”.

Ông nói: “Ấn Độ có rất nhiều căng thẳng với Trung Quốc – họ có những tranh chấp biên giới liên tục”. Và Ấn Độ muốn phát triển và đã phát triển thành một cường quốc hải quân ở Ấn Độ Dương, đây cũng là khu vực mà Trung Quốc muốn phát triển”.

Vũ Quỳnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/thuc-day-quan-he-va-giai-quyet-cac-van-de-kinh-te-toan-cau-i336307/