Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Cần Thơ năm 2025 đạt 16%
'Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 phải có sự đột phá tăng trưởng tín dụng 16% để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ năm 2025 trên 10%'.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN
Đó là chỉ đạo của ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ tại hội nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ do Ngân hàng Nhà nước khu vực 14 tổ chức chiều 25/7.
Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2025, ông Vương Quốc Nam đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ cần quyết tâm, mạnh dạn cung ứng vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư, kinh doanh, tăng trưởng tín dụng có kiểm soát, đảm bảo đa dạng các hình thức huy động vốn. Đồng thời, quan tâm tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, nhất là tín dụng về nhà ở, cho vay mua nhà ở xã hội đối với người trẻ dưới 35 tuổi; quan tâm đầu tư tín dụng các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tiêu dùng, quản lý nâng cao chất lượng tín dụng.
"Các tổ chức tín dụng cũng cần quan tâm bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp… Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh khu vực 14 cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2025", Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ lưu ý.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn duy trì ổn định, đạt được những kết quả khả quan, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ.
Tính đến ngày 30/6, tổng vốn huy động toàn địa bàn thành phố Cần Thơ là 216.438 tỷ đồng, tăng 3,43% so với cuối năm 2024. Vốn huy động đáp ứng được 70,16% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Hiện, dòng vốn tín dụng theo đúng định hướng của ngành, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực ưu tiên, cho vay các ngành nghề, mặt hàng thế mạnh của thành phố như lúa gạo, thủy sản… Đến ngày 30/6, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là 308.477 tỷ đồng, tăng trưởng 6,85% so với cuối năm 2024.
Ngoài ra, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố Cần Thơ còn một số tồn tại, khó khăn. Theo ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14, tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp, tổng vốn huy động chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của toàn địa bàn (hiện chỉ đáp ứng 70,16% nhu cầu tín dụng toàn địa bàn).
So với các tỉnh trong khu vực, thành phố Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá (6,85%), nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân của cả nước (9,9%).
Mặc dù, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ có điều kiện tăng trưởng tín dụng nhưng do cầu tín dụng giảm, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nên kinh tế gặp khó khăn, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý…
Một số lĩnh vực là thế mạnh của thành phố, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra giảm mạnh (giảm 27,63% so với cuối năm 2024), nguyên nhân chủ yếu do đầu ra của mặt hàng này những tháng đầu năm giảm, thiếu các đơn hàng xuất khẩu, người dân thu hẹp vùng nuôi…
Nợ xấu toàn địa bàn thành phố có xu hướng tăng dần trong 6 tháng đầu năm 2025. Thời điểm này, nợ xấu có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng.
Một số chương trình tín dụng trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng như: Chương trình 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (dư nợ thấp); Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chưa phát sinh dư nợ).
Từ thực tế những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tín dụng trên địa bàn, đại diện các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính,...đã cùng đề xuất các giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ các tháng cuối năm.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuc-day-tang-truong-tin-dung-can-tho-nam-2025-dat-16/381748.html