Thực hiện đồng bộ công tác phát triển lâm nghiệp

Nhằm duy trì ổn định và phát triển diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ theo hướng bền vững, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp đã thực hiện đồng bộ công tác phát triển lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc gắn với quản lý, bảo vệ rừng một cách chặt chẽ.

Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp kiểm tra

Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp kiểm tra

diện tích sơn tra tại bản Phiêng Piền, xã Mường Cai (Sông Mã).

Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp hiện đang quản lý và bảo vệ gần 23.000 ha rừng trên địa bàn 9 xã của hai huyện Sông Mã và Sốp Cộp. Trong đó, rừng và đất rừng đặc dụng trên 17.500 ha (gần 15 ha đất có rừng), diện tích rừng và đất rừng phòng hộ hơn 5.000 ha (trên 2.000 ha đất có rừng). Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Ban đã chủ động phối hợp các cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng trong các tầng lớp nhân dân; triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, quản lý lâm sản và phòng chống cháy rừng.

Ông Tòng Trường Sơn, Giám đốc Ban Quản lý chia sẻ: Công tác vận động bà con vùng cao tham gia trồng rừng không hề đơn giản, bởi tư duy của bà con chỉ muốn trồng những loại cây sớm cho kết quả. Vì vậy, anh em chúng tôi chú trọng công tác tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và bảo vệ rừng cho bà con, từ đầu năm đến nay đã tổ chức 29 cuộc họp, thu hút 1.529 người thuộc địa bàn có rừng ở Sông Mã, Sốp Cộp tham gia; phối hợp tuyên truyền trên Báo Sơn La, Đài PTTH tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành hàng nghìn pa-nô, áp-phích, tờ rơi, VCD tiếng dân tộc...; phối hợp với các xã, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tuần tra, kiểm tra rừng tại các huyện Sông Mã, Sốp Cộp 409 lượt; phát dọn thực bì, trồng 100 ha rừng đặc dụng tại bản Huổi, Chu Vai, Phiêng Phé, xã Nậm Mằn (Sông Mã); triển khai chăm sóc 682 ha rừng trồng đặc dụng, phòng hộ (chủ yếu là thông, sơn tra trồng từ năm 2015), trong đó, rừng đặc dụng 250 ha, rừng phòng hộ 432 ha.

Đi thực tế tại bản Phiêng Piền, xã Mường Cai (Sông Mã), chúng tôi thấy diện tích sơn tra của bản phát triển rất tốt, do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Trưởng bản Phiêng Piền Vàng A Sệnh bảo: Cả bản có 45 hộ, thì 36 hộ tham gia trồng 50 ha sơn tra từ năm 2017, cây phát triển tốt lắm, mỗi ha bà con được hỗ trợ 15 triệu đồng. Không chỉ thế, dân bản chúng tôi còn được hưởng nhiều lợi ích từ trồng rừng. Từ nguồn hỗ trợ trồng rừng, bà con trích một phần để sửa chữa, mở rộng tuyến đường vào bản dài hơn 10 km; sắp tới được đầu tư đường điện lưới... lúc đó, cuộc sống dân bản sẽ thay đổi nhiều hơn.

Theo dự kiến, trong năm 2020, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp sẽ bố trí trồng 350 ha rừng phòng hộ tại các xã Nậm Lạnh, Mường Lèo, bởi từ năm 2018, việc hỗ trợ trồng rừng nâng từ 15 triệu đồng lên 30 triệu đồng/ha gồm cả công trồng và giống cây từ nguồn từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Đến thời điểm này, đã phối hợp lập hồ sơ thiết kế trồng và trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định. Cùng với đó, nghiệm thu 100 ha rừng đặc dụng thuộc Dự án trồng và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Mã, sông Đà; nghiệm thu khoán bảo vệ rừng tự nhiên diện tích 6.000 ha và 500 ha diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng..., giúp người dân vùng dự án được hưởng nhiều lợi ích từ việc bảo vệ và phát triển rừng.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp được thực hiện đồng bộ, với nhiều biện pháp hữu hiệu, mang lại lợi ích kép, góp phần làm tăng diện tích rừng và giá trị của rừng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Vũ Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thuc-hien-dong-bo-cong-tac-phat-trien-lam-nghiep-27979