Thực hiện đúng lộ trình, tiến độ

Chương trình GDPT 2018 sẽ được Phú Yên triển khai cho học sinh lớp 1 trong năm học 2020-2021. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lạc Long Quân (TP Tuy Hòa). Ảnh: TRUNG HIẾU

Phú Yên đang khẩn trương thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo lộ trình, tỉnh sẽ triển khai cho lớp 1 trong năm học 2020-2021; lần lượt những năm học tiếp theo triển khai ở lớp 2, lớp 3, lớp 4 và năm học 2024-2025 triển khai lớp 5.

Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018 của tỉnh xung quanh vấn đề trên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

* Trong vai trò Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018 của tỉnh, đồng chí đánh giá như thế nào về lộ trình, tiến độ thực hiện chương trình này đến thời điểm hiện nay?

- Triển khai Kế hoạch 227 của UBND tỉnh về Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung đổi mới về sách giáo khoa, ngành GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền tốt Chương trình GDPT 2018 trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ quản lý của ngành, giáo viên, học sinh và cộng đồng hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình này.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, sắp tới sẽ tập huấn đại trà. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành tiêu chí lựa chọn SGK theo thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cùng với các ngành chức năng còn tham mưu UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, bố trí kinh phí cho chương trình... Qua hội nghị sơ kết đánh giá kết quả triển khai Chương trình GDPT 2018 mới đây, có thể thấy rằng các đơn vị đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT và kế hoạch của UBND tỉnh.

* Bên cạnh những mặt làm được, những nội dung nào tỉnh cần khắc phục để thực hiện đúng tiến độ đề ra của Chương trình GDPT 2018, thưa đồng chí?

- Trong quá trình triển khai chương trình, các đơn vị vẫn còn có những khó khăn nhất định. Để khắc phục điều này, trước hết, các sở, ngành, địa phương liên quan cần tập trung hơn nữa cho công tác truyền thông để mọi người đồng thuận, hiểu rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của chương trình này. Tiếp theo, các đơn vị phải tập trung tháo gỡ những khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực về giáo viên, kinh phí thực hiện chương trình.

Đối với cơ sở vật chất, thời gian qua, các địa phương rất quan tâm đầu tư để có điều kiện dạy học. Tuy nhiên vẫn còn khó khăn cục bộ ở một số địa bàn. Tới đây, UBND tỉnh tiếp tục làm việc để các cấp ủy, chính quyền, địa phương có sự đầu tư đúng mức cho sự nghiệp trồng người trên tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đối với đội ngũ giáo viên, hiện nhiều địa phương còn thiếu. Vì thế, UBND tỉnh sẽ cố gắng giải quyết để bổ sung, sắp xếp một cách hợp lý và cố gắng thực hiện trước ngày 30/6/2020 để chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021.

Về kinh phí thực hiện chương trình, UBND tỉnh đã giao Sở GD-ĐT xây dựng tổng thể cho cả Chương trình GDPT 2018 từ năm 2020-2025. Sở Tài chính phối hợp Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh nội dung này. Hiện Sở Tài chính đã bố trí nguồn kinh phí tổng thể cho Chương trình GDPT 2018 và đang cụ thể hóa những nội dung, công việc để các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục triển khai công việc.

* Chương trình GDPT 2018 sẽ áp dụng cho lớp 1 năm học 2020-2021 có nội dung đáng chú ý là mỗi địa phương biên soạn tài liệu giáo dục địa phương mình để dạy. Theo đồng chí, làm thế nào để các đơn vị vừa truyền đạt kiến thức địa phương cho học sinh, vừa truyền đạt kiến thức chung của toàn xã hội?

- Giáo dục kiến thức địa phương là điều hết sức cần thiết. Vì thế, ban chỉ đạo yêu cầu mỗi địa phương chọn những nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh để đưa vào chương trình giảng dạy. Việc biên soạn này đòi hỏi phải tập hợp một đội ngũ các nhà nghiên cứu, giáo viên có kinh nghiệm; từ đó trao đổi, thảo luận, chọn những nội dung, lĩnh vực mang tính toàn diện kể cả lịch sử, văn hóa, kinh tế, địa lý, nghệ thuật, tự nhiên… liên quan đến địa phương để đưa vào chương trình.

Ngoài ra, những nội dung được chọn vào giảng dạy phải có tính giáo dục cao, phù hợp với khả năng tiếp thu của đối tượng học; không chỉ thuần túy truyền đạt thông tin, kiến thức mà còn giáo dục tình yêu quê hương, cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi các em đang sinh sống...

* Xin cảm ơn đồng chí!

Với tinh thần trách nhiệm và tích cực chuẩn bị, tôi tin rằng Phú Yên sẽ thực hiện đúng lộ trình, đảm bảo các yêu cầu cho Chương trình GDPT 2018 nói chung và sách giáo khoa lớp 1 nói riêng để triển khai kịp thời trong năm học 2020-2021.

TRUNG HIẾU (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/236065/thuc-hien-dung-lo-trinh-tien-do.html