Thực hiện lộ trình kê đơn thuốc điện tử: Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Thông tư 04 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 15/9/2022 nêu rõ: Đối với bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 31/12/2022; các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) còn lại hoàn thành trước ngày 30/6/2023. Thực hiện lộ trình này, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đang tích cực nâng cấp cơ sở vật chất, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tiến tới hoàn thành lộ trình mà Bộ Y tế đề ra. Tuy nhiên quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Nhân viên y tế Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ảnh: Trà Hương

Nhân viên y tế Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ảnh: Trà Hương

Theo đánh giá của Sở Y tế, việc thực hiện kê đơn thuốc điện tử mang lại nhiều lợi ích tích cực, góp phần quản trị việc bán thuốc theo đơn tại các cơ sở cung ứng thuốc; tránh tình trạng tái bán các loại thuốc chỉ được bán khi có đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc kiểm soát đặc biệt.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác thống kê, tổng hợp, phân tích việc kê đơn nhằm truy xuất nguồn gốc và làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong trường hợp vi phạm; hỗ trợ hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.

Trên cơ sở phân tích dữ liệu của kho đơn thuốc có thể tạo ra báo cáo đánh giá đúng về hiện trạng sức khỏe của người dân cũng như các hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế và dự báo tình hình, xu hướng bệnh tật, nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân.

Việc tạo lập đơn thuốc điện tử cũng là một phần quan trọng nhằm tiến tới xây dựng thành công bệnh án điện tử, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử của mỗi người bệnh.

Mặc dù hiện nay, tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh, đội ngũ y, bác sĩ đã thực hiện kê đơn thuốc bằng máy tính trên phần mềm quản trị bệnh viện; việc kê đơn này được áp dụng cho cả người bệnh nội trú và ngoại trú, tuy nhiên, đơn thuốc của mỗi bệnh viện có một định dạng chuẩn dữ liệu khác nhau và không đồng nhất dữ liệu nên khó liên thông ra ngoài cơ sở KCB, gây khó khăn cho việc quản lý, truy xuất khi cần thiết.

Đồng thời, trên đơn thuốc hiện chưa có mã định danh chứng thực của người hành nghề KCB và mã định danh của cơ sở KCB, nên bác sĩ vẫn phải in đơn từ máy tính và ký trực tiếp cho bệnh nhân. Đối với các cơ sở KCB tư nhân (phòng khám đa khoa, chuyên khoa) vẫn áp dụng kê đơn thuốc bằng cách viết trực tiếp vào sổ y bạ nên rất khó kiểm soát, tra cứu.

Tìm hiểu thực tế việc kê đơn thuốc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên cho thấy, từ năm 2015, bệnh viện đã bắt đầu thực hiện kê đơn thuốc trên máy tính thông qua phần mềm quản lý bệnh viện, tuy nhiên, dữ liệu đơn thuốc của bệnh viện hiện chỉ liên thông trong nội bộ, khó liên kết với đơn vị khác.

Đồng thời, các bác sĩ cũng chưa có mã định danh chứng thực hành nghề, chưa tạo lập được chữ ký số cho từng người. Nhằm tiến tới thực hiện kê đơn thuốc điện tử theo quy định của Bộ Y tế, bệnh viện đang chủ động nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ, thực hiện chuyển đổi hệ thống quản trị bệnh viện từ phần mềm HIS thông thường sang phần mềm HIS điện tử, tiến tới thực hiện bệnh án điện tử trong thời gian sớm nhất.

Tại Bệnh viện Y-Dược cổ truyền tỉnh, các y bác sĩ luôn tích cực học tập các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tiến tới kê đơn thuốc điện tử. Bác sĩ Tạ Thị Liên, Khoa Châm cứu dưỡng sinh 1 của bệnh viện cho biết: “Tôi là một trong những bác sĩ lớn tuổi nên gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận với các phần mềm công nghệ thông tin. Tuy nhiên, bản thân tôi luôn tích cực học tập nhằm sử dụng thành thạo các phần mềm. Nhờ đó, hiện nay, tôi có thể vừa kê đơn thuốc, vừa ghi diễn biến bệnh, chỉ định cận lâm sàng cho bệnh nhân trên máy tính.

Đồng thời, biết cách tìm kiếm, tra cứu các loại thuốc trên phần mềm, tránh kê những loại thuốc, vị thuốc đã hết trong kho thuốc của bệnh viện cho người bệnh, từ đó, giảm thời gian chờ đợi, tăng độ chính xác.

Tôi mong muốn, các y, bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tục được tập huấn để có thể dễ dàng tiếp cận với việc kê đơn thuốc điện tử theo quy định của Bộ Y tế, không cần phải xuất đơn, giảm thủ tục, giấy tờ”.

Nhận thấy những khó khăn còn tồn tại trong việc thực hiện lộ trình kê đơn thuốc điện tử của các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh, mới đây, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) tiến hành tổ chức tập huấn, hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị để tháo gỡ vướng mắc về việc cấp mã định danh cơ sở KCB, mã người hành nghề, kết nối liên thông để gửi dữ liệu đơn thuốc điện tử lên hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Quỳnh Hương

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/82640/thuc-hien-lo-trinh-ke-don-thuoc-dien-tu-con-nhieu-vuong-mac-can-thao-go.html