Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tạo đồng thuận cao

Việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, với phương châm 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng', các xã, phường, thị trấn đã phát huy quyền làm chủ và sức mạnh đoàn kết của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Nhiều hộ dân thôn Đồng Bụt, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn thông thoáng, sạch đẹp. Ảnh: Dương Hà

Nhiều hộ dân thôn Đồng Bụt, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn thông thoáng, sạch đẹp. Ảnh: Dương Hà

Năm 2020, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu và xác định đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Thế nhưng, với quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã xuống thôn đã tạo được đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Đồng Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ: "Tất cả những nội dung liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân đều được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể thực hiện công khai, minh bạch; nhất là trong xây dựng NTM nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu như làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa; xây dựng các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp… đều được cấp ủy, chi bộ đưa ra lấy ý kiến đóng góp, thảo luận, bàn bạc của nhân dân trước khi triển khai.

Bởi vậy, xã đã huy động được gần 150 tỷ đồng xây dựng NTM nâng cao, trong đó, ngân sách xã hơn 70 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 40 tỷ đồng. Năm 2022, Yên Đồng được công nhận xã NTM nâng cao".

Ở huyện Vĩnh Tường, thực hiện Đề án di chuyển mồ mả nằm rải rác trên những cánh đồng vào nghĩa trang nhân dân và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là “bài toán khó” đối với nhiều địa phương, do liên quan đến vấn đề tâm linh, quyền lợi của người dân.

Để thực hiện nhiệm vụ này, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, từ đó, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Toàn huyện đã có gần 1.700 ngôi mộ được di chuyển vào nghĩa trang nhân dân ở các xã, thị trấn. Tính đến tháng 6/2023, tổng diện tích các dự án cần GPMB trên địa bàn huyện là hơn 332 ha; tổng số tiền chi trả hơn 895 tỷ đồng. Huyện đã thực hiện GPMB xong 2 dự án và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Cụm công nghiệp Đồng Sóc 75 ha và Khu đô thị mới thị trấn Tứ Trưng - thị trấn Vĩnh Tường 29 ha; có 4 dự án đang triển khai, đã thực hiện bồi thường, GPMB 186 ha/283,59 ha.

Thực hiện tốt QCDC ở cơ sở là yếu tố quan trọng, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Xác định rõ điều đó, những năm qua, công tác quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở được coi trọng, thực hiện nghiêm túc.

Nội dung tuyên truyền về thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là Luật Thực hiện QCDC ở cơ sở được triển khai phong phú, đa dạng thông qua các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt, hệ thống loa truyền thanh... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các xã, phường, thị trấn gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT - XH và đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Những nội dung cần phải công khai như các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp xã liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân hay các phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ bản, xét duyệt làng văn hóa, thôn văn hóa, gia đình văn hóa, các thủ tục hành chính được chính quyền các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh thực hiện niêm yết công khai, minh bạch để người dân nắm được.

Hay những vấn đề nhân dân được bàn, quyết định trực tiếp như huy động đóng góp xây dựng, các công trình phúc lợi, xây dựng các quỹ, công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư cũng đều được tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của người dân trước khi chính quyền đưa ra quyết định thực hiện. Do vậy, khi các chính sách được ban hành đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đã thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong quản lý văn bản và thư điện tử công vụ trong quản lý và điều hành; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ nhân dân trong khai thác, tra cứu thông tin. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính cấp xã trước và đúng hạt đạt gần 99%.

Không chỉ được biết, được bàn trực tiếp, người dân còn được tham gia vào quá trình giám sát thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, các Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát cộng đồng tổ chức 126 cuộc giám sát thực hiện hương ước, quy ước và các quy định của địa phương, qua đó, đã phát hiện, kiến nghị nhiều vụ việc gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, QP-AN trên địa bàn tỉnh. Qua đánh giá xếp loại chính quyền vững mạnh năm 2022, toàn tỉnh có 123/136 xã, phường, thị trấn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Thanh Tuyền

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95444//thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-tao-dong-thuan-cao