Thực phẩm giả tràn lan, cách nào ngăn chặn?

Thực phẩm giả mạo nhãn hiệu như gạo, nước đóng chai, sữa bột, kẹo… được phát hiện bán tràn lan trên thị trường, đặt ra thách thức mới cho lực lượng chức năng và nguy cơ đối với người sử dụng.

Sử dụng thực phẩm giả ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng

Sử dụng thực phẩm giả ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng

Với chủ đề “Nhận diện Thực phẩm thật - giả”, phòng trưng bày của Tổng cục QLTT hiện đang trưng bày trên 400 sản phẩm là thực phẩm giả mạo.

Trong đó, đáng chú ý là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu như: gạo Ông Cua, gạo Ngon Nhất, gạo Séng Cù, đậu tương, sữa bột Pediasure, sữa bột Glucerna, sữa bột Abbott Grow, sữa bột Ensure Gold, kẹo Hubba Bubba, bánh cốm Nguyên Ninh, mật ong… cùng nhiều các sản phẩm thuộc lĩnh vực đồ uống, thực phẩm chức năng.

Đây là tang vật trong các vụ việc vi phạm về thực phẩm mà lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Gần đây nhất, từ dấu hiệu vi phạm của gian hàng bán “gạo ông Cua” trên Shopee, lực lượng QLTT tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra, phát hiện kho hàng lớn sản xuất, đóng gói loại gạo này. Trước đó, vào tháng 4-2024, lực lượng QLTT Hà Nội cũng đồng loạt kiểm tra 6 cửa hàng kinh doanh “gạo ông Cua” có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, vụ việc gạo giả mạo nhãn hiệu “gạo ông Cua” dù giá trị hàng hóa vi phạm không lớn nhưng đây là vụ việc điển hình bởi, lúa gạo là mặt hàng đặc biệt, là sản phẩm của bà con nông dân. Thương hiệu “Gạo Ông Cua” cũng là niềm tự hào của Việt Nam.

“Việc xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ chính là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất uy tín trên thị trường. Đặc biệt, việc kinh doanh được thực hiện trên nền tảng TMĐT, bộc lộ mặt trái của TMĐT nên cần ngăn chặn sớm”.

Theo Tổng cục QLTT, các địa phương khác trên cả nước cũng tiến hành kiểm tra đối với mặt hàng gạo và phát hiện nhiều sản phẩm vi phạm. Ngoài ra, sữa bột, mật ong giả, nước uống giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng cũng được bán tràn lan trên thị trường mà người tiêu dùng rất khó phân biệt. Lực lượng chức năng liên tiếp kiểm tra, bắt giữ vẫn như “muối bỏ bể”.

Ông Phạm Khắc Khuy- Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT cho biết, thực phẩm giả mạo nhãn hiệu không chỉ được bán qua hình thức thương mại truyền thống mà ngày càng được bán nhiều hơn qua thương mại điện tử (TMĐT).

“Hàng giả TMĐT không dễ để phát hiện, vì người bán thường sử dụng ảnh của sản phẩm thật để giới thiệu, nhưng khi giao cho khách lại là hàng giả mạo nhãn hiệu. Hơn nữa, kho hàng của các shop trên TMĐT rất khó tìm”- ông Phạm Khắc Huy nói.

Để ngăn chặn hàng giả, bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng QLTT phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn các quy trình thực hiện bảo hộ nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng;

Vận động nhân dân ở mọi tầng lớp nói không với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT nhằm giảm tối thiểu nhu cầu mua sắm đối hàng hóa thuộc diện nói trên. Cùng với đó, tuyên truyền về cách thức nhận biết hàng giả, hàng bị xâm phạm quyền SHTT, khuyến khích nhân dân tố cáo, tố giác tội phạm, đồng hành với cơ quan quản lý trong công tác chống hàng giả.

Theo các chuyên gia, để “nói không” với hàng giả, người dân cũng cần nâng cao nhận thức khi mua sắm, chủ động lựa chọn nơi bán hàng uy tín, tự nâng cao nhận thức nhận diện sản phẩm hàng hóa để tránh “tiền mất tật mang”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thuc-pham-gia-tran-lan-cach-nao-ngan-chan-post581822.antd