Thực trạng và giải pháp công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số

Ngày 16-11, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức tọa đàm 'Thực trạng và giải pháp công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số'.

Tham dự tọa đàm có 63 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số tại các lớp học thuộc các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn

Tại tọa đàm, các thầy cô đã đưa ra những thực trạng và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, cũng như những đề xuất nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số.

 Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Theo đó, các thầy cô giáo đã thẳng thắn bày tỏ thực trạng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số như: Việc áp dụng chương trình dạy kiến thức chung gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những kiến thức phù hợp với từng vùng miền; học sinh vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều em không có đủ tiền để mua sách vở đi học hay học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, tiếp nhận kiến thức hơn so với những học sinh ở vùng thuận lợi...

Từ đó, các thầy cô giáo đã nêu lên nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số như: Giảm tải áp lực cho giáo viên trong các cuộc thi sáng kiến sáng tạo, giáo viên dạy giỏi; có cơ chế luân chuyển cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn phù hợp; có chính sách đảm bảo chế độ cho giáo viên và học sinh vùng cao; tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ tạo việc làm cho đồng bào vùng cao đảm bảo cuộc sống để học sinh có điều kiện đi học...

Tin, ảnh: DIỆU THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/thuc-trang-va-giai-phap-cong-tac-phat-trien-giao-duc-o-vung-dan-toc-thieu-so-602551