Thuốc colchicine đem lại hy vọng cho cuộc chiến chống COVID-19

Thuốc colchicine. Nguồn: CTV News

Kết quả một cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Canada cho thấy một loại thuốc kháng viêm có giá thành thấp, tên là colchicine, có thể giảm đáng kể nguy cơ biến chứng và tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đem lại hy vọng lớn cho những người mắc căn bệnh này.

Người đứng đầu Viện Tim Montreal (ICM), trưởng nhóm nghiên cứu dự án Colcorona, ông Jean-Claude Tardif đã công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ này ngày 24/1.

Nghiên cứu được tiến hành đối với 4.488 bệnh nhân trên khắp thế giới kể từ tháng 3/2020. Kết quả cho thấy trong điều trị ngoại trú, thuốc có thể giảm 20% số người nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 so với những người dùng giả dược.

Khi điều trị cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thuốc giúp giảm 25% số ca nhập viện, 50% số ca phải dùng máy thở và 44% số ca tử vong.

Các nhà nghiên cứu cho rằng lý do bệnh nhân có các biến chứng do COVID-19 là các tế bào bạch cầu trong cơ thể có phản ứng viêm quá mức khi phản ứng với virus, được gọi là ‘bão cytokine’.

Ông Jean-Claude Tardif cho biết: "Bằng trực giác của mình, chúng tôi cho là có thể ngăn ngừa các biến chứng bằng cách sử dụng một loại thuốc như colchicine để giảm phản ứng viêm quá mức".

Colchicine là một loại thuốc chống viêm mạnh đã được biết đến từ cách đây 150 năm. Thuốc được chiết xuất từ một loại cây có tên là Colchicum autumnale và được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh khác nhau như bệnh gút, viêm khớp, viêm màng ngoài tim và một số bệnh khác.

Thuốc được bán rộng rãi tại các hiệu thuốc bởi độ an toàn và giá thành thấp trong khi điều trị nhiều bệnh. Ông Jean cho biết kết quả nghiên cứu này mang lại "hy vọng quan trọng” cho bệnh nhân, hệ thống chăm sóc sức khỏe và chính phủ. Đây là một trong những giải pháp góp phần giảm số người nhập viện cũng như giảm tải cho hệ thống y tế.

Theo ông Jean, phát hiện của nhóm nghiên cứu sẽ không chỉ hữu ích ở các nước thuộc nhóm 8 quốc gia công nghiệp hàng đầu của thế giới như Pháp, Canada, Mỹ, mà cả ở những quốc gia đang phát triển, những nước kém phát triển, châu Phi, châu Á sẽ nhanh chóng được hưởng lợi nhờ loại thuốc kháng viêm có giá thành thấp này.

Ông Jean cho biết kết quả đầy đủ về thử nghiệm sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất. Sau đó, các cơ quan quản lý, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), Bộ Y tế Canada, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) có thể sẽ xem xét dữ liệu nghiên cứu trên.

* Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 24/1, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri xác nhận Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân ở nước này được nhập khẩu vắcxin ngừa COVID-19.

Ông Anucha cho biết các công ty tư nhân trước tiên phải đăng ký vắcxin với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) bằng cách nộp các tài liệu liên quan đến chất lượng, an toàn và hiệu quả của vắcxin đối với người dân Thái Lan.

FDA sẽ đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vắcxin trước khi cho phép các công ty tư nhân tiêm chủng cho người dân. Theo ông Anuchai, FDA đã triệu tập các chuyên gia trong và ngoài cơ quan này để đẩy nhanh việc phê duyệt vắcxin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa thể nới lỏng các quy định liên quan đến việc mua sắm vắcxin vì đây là sản phẩm liên quan đến tính mạng của người dân.

Trong khi đó, tại Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), chính quyền Dubai thông báo sẽ giảm tiến độ tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech vì tiến độ giao hàng chậm trễ. Chính quyền Dubai đã bắt đầu triển khai tiêm chủng hàng loạt vào tháng 12/2020 sau khi các vắcxin của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) và Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) được cấp phép.

Theo giới chức y tế, UAE đã chủng ngừa cho hơn 2 triệu trong tổng số gần 10 triệu dân - nằm trong số những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.

Tại Ấn Độ, từ ngày 25/1, nước này sẽ đưa thêm 7 bang vào danh sách triển khai chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, sử dụng loại vắcxin do nước này sản xuất mang tên Covaxin. Như vậy, 19 bang ở Ấn Độ sẽ thực hiện chương trình tiêm chủng bằng vắcxin Covaxin. Tính đến thời điểm này, gần 1,6 triệu người ở Ấn Độ đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19, một tỉ lệ tương đối thấp.

Trong khi đó, chính phủ nước láng giềng Pakistan đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắcxin Sputnik V do Nga sản xuất. Nhà nhập khẩu và phân phối vắcxin sẽ là công ty dược phẩm địa phương AGP.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/251613/thuoc-colchicine-dem-lai-hy-vong-cho-cuoc-chien-chong-covid-19.html