Thuốc quý quanh ta

Nhiều loại cây thuốc phổ biến, quen thuộc, phát triển mạnh mẽ trong tự nhiên hoặc được trồng rộng rãi có rất nhiều tác dụng trong việc chữa trị bệnh mà đôi khi các loại hóa dược không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngày càng ít người biết đến công dụng của các loại thảo dược này trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và điều trị bệnh.

Y, bác sĩ Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh tìm hiểu về dược tính và cách sử dụng các loại thảo dược để điều trị cho bệnh nhân

Y, bác sĩ Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh tìm hiểu về dược tính và cách sử dụng các loại thảo dược để điều trị cho bệnh nhân

Bị sỏi mật đã lâu, dù đã được điều trị tích cực bằng các biện pháp y học hiện đại, thậm chí là được phẫu thuật lấy sỏi, nhưng anh Vũ Văn Hải ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên vẫn bị tái phát. Nghe theo lời khuyên của một người bạn, anh Hải quyết định thử áp dụng bài thuốc dân gian từ quả sung và đã nhận được kết quả bất ngờ từ loại thảo dược dễ tìm, dễ sử dụng này.

Anh Hải cho biết: “Ban đầu, khi người bạn hướng dẫn tôi sử dụng quả sung để điều trị sỏi mật, thực sự là tôi cũng “bán tín, bán nghi”. Tuy nhiên, có bệnh thì vái tứ phương, hơn nữa, quả sung cũng rất lành tính, dù sử dụng thời gian dài cũng không lo có tác dụng phụ, nên tôi quyết định thử xem sao. Sau khi mua quả sung về, tôi thái mỏng và đem phơi khô. Hằng ngày, tôi lấy khoảng 200 - 300 gam quả sung đã sao khô để đun nước uống. Kiên trì uống như vậy, 6 tháng sau đi kiểm tra lại thì bác sĩ thông báo không còn phát hiện sỏi mật.

Không chỉ điều trị sỏi mật, tôi nhận thấy việc sử dụng quả sung khô để nấu nước uống hằng ngày còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bản thân, giúp ngủ ngon hơn. Kiểm tra các chỉ số sức khỏe của tôi sau 6 tháng cũng cho thấy có nhiều chuyển biến, chỉ số huyết áp, đường huyết, mỡ máu có nhiều cải thiện…”.

Vĩnh Phúc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với 3 vùng sinh thái gồm đồng bằng, trung du và miền núi. Lợi thế về khí hậu, địa hình đã đem lại cho Vĩnh Phúc nguồn dược liệu đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều loại thảo dược phát triển mạnh mẽ trong tự nhiên và rất dễ trồng, chăm sóc, nhân rộng. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Y tế của tỉnh phát huy các giá trị y học cổ truyền trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Từ xa xưa, người dân Vĩnh Phúc đã biết sử dụng các loại thảo dược để tạo ra các bài thuốc giúp chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh; từ đó, dần hình thành một nền y học dân tộc lâu đời với các tri thức sử dụng dược liệu để chữa các bệnh thông thường và nan y. Với phương châm "Nam dược trị nam nhân", nhiều bài thuốc quý đã và đang được các vị lương y gìn giữ và lưu truyền cho tới ngày nay.

Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Nguyễn Văn Xuân cho biết: “Thực chất, có rất nhiều loại cây, cỏ quen thuộc quanh ta chính là những vị thuốc quý, giúp chăm sóc sức khỏe, có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh và hỗ trợ điều trị một số bệnh nhưng không được nhiều người biết đến.

Điển hình như cây bồ công anh điều trị hiệu quả bệnh lý về viêm tuyến vú; vỏ quýt và vỏ cam có tác dụng điều hòa khí huyết, tiêu đờm, kiện tỳ; cây kinh giới giúp chữa chứng cảm cúm, trị ho, tiêu đờm, da mẩn ngứa; cây hẹ chữa cảm mạo, ho do lạnh; bạc hà, tía tô giúp hạ sốt; húng chanh giúp trị ho…

Từ xa xưa, ông cha ta đã biết sử dụng những loại cây, cỏ để làm thuốc. Qua thời gian, những kinh nghiệm, bài thuốc quý báu đó được chắt lọc và lưu truyền, trở thành tinh hoa, kho tàng tri thức quý giá của dân tộc.

Tuy nhiên, những tri thức, kinh nghiệm sử dụng thảo dược hiện nay không còn phổ biến trong đời sống. Thực tế, rất ít người còn quan tâm và biết cách sử dụng các loại thảo dược sẵn có, quen thuộc để chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh hoặc hỗ trợ điều trị bệnh. Mặt khác, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đô thị, diện tích đất trong tự nhiên ngày càng bị thu hẹp dần, kéo theo đó là các loài thảo dược tự nhiên ngày càng bị hạn chế phát triển.

Việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng là nguyên nhân khiến cho môi trường sinh trưởng của nhiều loài thảo dược có nguy cơ không còn; từ đó đã làm lãng phí nguồn thuốc quý, thậm chí là có nguy cơ làm mất đi nguồn gen của những loại thảo dược này…”.

Y học hiện đại ngày càng phát triển, nhưng những bài thuốc từ thảo dược vẫn là một phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh với những ưu điểm trong việc hỗ trợ cải thiện các bệnh mãn tính và ít tác dụng phụ.

Để gìn giữ, phát huy giá trị các bài thuốc quý từ thảo dược trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kế thừa, tiếp thu những bài thuốc quý, kinh nghiệm chữa bệnh y học cổ truyền.

Nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu, phát triển các vùng chuyên canh trồng thảo dược; đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng các loại dược liệu dễ trồng, chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để tạo ra các sản phẩm thuốc hiệu quả, góp phần vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đồng thời, phát huy vai trò của các trạm y tế trong việc tuyên truyền những lợi ích của một số loại cây thuốc phổ biến, quen thuộc, gần gũi với người dân; hướng dẫn người dân trồng, nhân giống các loại cây này trong vườn nhà mình để sử dụng khi cần.

Bài, ảnh: Lê Mơ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95980//thuoc-quy-quanh-ta