Thương binh Nguyễn Thị Liên nặng tình đồng đội

Bà Nguyễn Thị Liên (bìa trái) tham dự một cuộc họp. Ảnh: CTV

Được rèn giũa trong chiến tranh nên những người lính Cụ Hồ luôn giữ vững niềm tin sắt đá vào sự lãnh đạo của Đảng, sự thắng lợi của cách mạng, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội, sẵn sàng chia sẻ niềm thương, nỗi đau với mọi người. Bà Nguyễn Thị Liên, nữ thương binh ở huyện Đông Hòa là một người như thế.

Hiến dâng tuổi xuân cho đất nước

Bà Nguyễn Thị Liên sinh năm 1950, tại xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, trong khí thế chống giặc ngoại xâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Cả nước lên đường đi đánh Mỹ”…, sớm ý thức được trách nhiệm của mình, cô gái Nguyễn Thị Liên tham gia du kích lúc mới 15 tuổi, rồi thanh niên xung phong (TNXP) và trở thành nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn giữa những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở giai đoạn ác liệt nhất (1966-1972).

Tuổi xuân của Nguyễn Thị Liên gửi lại ở những địa danh nơi có đường Trường Sơn đi qua, như: Dốc Miếu, Cồn Tiên, Cổng Trời, đường 9 Nam Lào... Năm 1971, trong một đêm mưa bom bão đạn, Nguyễn Thị Liên bị thương ở bản Tà Hưa, được đưa ra miền Bắc điều trị rồi về quê Hà Tĩnh.

Tôi bị nhiễm chất độc da cam, trong người mắc nhiều thứ bệnh: huyết áp, gút, tiểu đường… nhưng vì thương những hoàn cảnh éo le hơn nên tôi phải cố gắng. Bà Nguyễn Thị Liên

Năm 1972, Nguyễn Thị Liên được cử đi học lớp trung cấp Nông nghiệp ở Quế Võ, Bắc Ninh. Lớp học vừa khai giảng cũng là lúc bà Liên nhận được tin nhà cửa bị bom Mỹ đánh tan hoang; cha, chú và cậu ruột của bà mất vào thời điểm này. Giữa lúc chiến tranh ác liệt ấy, bà không thể về chịu tang cha và những người thân yêu của mình. Nén đau thương, bà vừa tham gia chống chiến tranh phá hoại vừa học tập. Bà Liên tốt nghiệp xuất sắc, được giữ lại trường làm trợ giảng và giảng viên sau đó.

Năm 1974, bà Nguyễn Thị Liên kết hôn với ông Trương Minh cũng là một thương binh đang công tác cùng cơ quan. Đôi vợ chồng thương binh tập tễnh dìu nhau trước muôn vàn khó khăn nơi đất khách quê người trong sự che chở, đùm bọc của bà con miền Bắc. Họ động viên nhau cùng vượt qua những cơn đau khi trái gió trở trời, vết thương tái phát, giữa sự thiếu thốn trăm bề do chiến tranh phá hoại. Bà Liên kể: “Ngày đó, tôi đã phải cố gắng hết sức để vừa lo công việc vừa chăm hai con nhỏ học hành. Thực sự, nếu không có sự động viên của đồng đội, sự giúp đỡ của xóm giềng thì chúng tôi khó lòng vượt qua”.

Năm 1983, vợ chồng ông Minh bà Liên chuyển về công tác ở Phú Yên, nơi chôn nhau cắt rốn của ông Trương Minh. Khi ông Minh nghỉ hưu, hai người về sống ở khu phố 4, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa. Năm 2002, sau nhiều năm lâm bệnh hiểm nghèo do di chứng chất độc da cam, ông Minh đã ra đi.

Nặng tình đồng đội

Khi bà Liên nhận nghỉ chế độ một lần, ông Minh khuyên vợ mở cửa hàng tạp hóa nhỏ buôn bán để kiếm kế sinh nhai. Nhưng với tinh thần người lính, bà Liên còn tích cực tham gia công tác xã hội. Bà làm Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội… và đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, năm nào cũng được tặng giấy khen, nhiều năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong quá trình công tác ở địa phương, cảm thương trước những cảnh đời bất hạnh, thiệt thòi hơn mình, bà lại hăng hái tham gia vào Hội Cựu TNXP với mong muốn đóng góp một phần công sức giúp đỡ những đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh neo đơn, đặc biệt khó khăn. Năm 2007, bà được tín nhiệm giao nhiệm vụ Hội phó, rồi Hội trưởng Hội Cựu TNXP huyện Đông Hòa. Thời điểm đó, bà Liên còn là Chi hội trưởng Chi hội Truyền thống Trường Sơn của huyện, Phó Ban liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn của tỉnh và Chi hội phó Chi hội Hữu nghị Việt - Lào của huyện.

Bà Liên tâm sự: “Tôi bị nhiễm chất độc da cam, trong người mắc nhiều thứ bệnh: huyết áp, gút, tiểu đường… nhưng vì thương những hoàn cảnh éo le hơn nên tôi phải cố gắng”. Bằng tất cả tình thương, trách nhiệm dành cho đồng đội, bà Liên chẳng quản ngại khó khăn, đến từng nhà, gặp từng người thuyết phục, tuyên truyền vận động để cựu bộ đội - TNXP tích cực tham gia vào Hội. Nhờ vậy, Hội TNXP, Hội Truyền thống Trường Sơn, Hội Hữu nghị Việt - Lào của huyện Đông Hòa do bà Liên làm thủ lĩnh đã không ngừng lớn mạnh, luôn là một trong những lá cờ đầu của Tỉnh hội.

Đặc biệt, hoạt động của Hội đã đạt nhiều kết quả, góp phần giải quyết khó khăn cho hội viên ở địa phương. Từ nguồn hỗ trợ của nhiều tập thể và cá nhân, Hội đã hỗ trợ xây dựng nhà Tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho hội viên khó khăn. Hàng năm, nhân dịp lễ, Tết, ngày Thương binh liệt sĩ, Hội đã thăm và tặng trên 120 suất quà, mỗi suất 300.000-500.000 đồng. Ngoài ra, bà cùng Ban liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn của tỉnh còn vận động xây dựng được 7 ngôi nhà và nhiều sổ tiết kiệm khác để tặng hội viên nữ Trường Sơn trên địa bàn toàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Liên vốn có một bề dày thành tích trong kháng chiến, được nhận Huân chương Giải phóng hạng ba, Huy chương Chống Mỹ cứu nước, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Từ khi tham gia công tác Hội, năm nào bà cũng được chính quyền địa phương và các cấp Hội lựa chọn khen thưởng, báo cáo điển hình.

Ông Cao Văn Thử, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Phú Yên, nhận xét: “Bà Nguyễn Thị Liên là một người tốt. Là thương binh, bệnh tình đủ thứ, lại là phụ nữ tuổi đã cao nhưng biết chăm lo gia đình, tham gia công tác Hội tích cực, hiệu quả, được tổ chức và hội viên tín nhiệm”.

Còn theo ông Võ Đình Tiến, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, bà Nguyễn Thị Liên là một thương binh, có tinh thần tham gia công tác xã hội rất tích cực, luôn nêu tấm gương trong sáng trước mọi người. Bà tổ chức hoạt động Hội hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc giải quyết chính sách cho những người có công ở địa phương. Nhiều năm qua, bà Liên đã tích cực học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập noi theo.

Được biết, trong quá trình công tác, sinh hoạt tại địa phương, bà Liên luôn dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, chống lại biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của một số đảng viên, góp phần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Về nhà, bà là một người bà, người mẹ mẫu mực, chú tâm răn dạy, định hướng cho con cháu sống thủy chung, chấp hành nghiêm pháp luật, quy tắc đạo đức xã hội. Hai con trai bà Liên hiện là sĩ quan, hai con dâu là giáo viên; một gia đình 5 người lớn đều là 5 đảng viên. Gia đình bà cũng luôn là gia đình văn hóa tiêu biểu, được bà con lối xóm thương yêu, quý trọng.

Bà Nguyễn Thị Liên là một thương binh, có tinh thần tham gia công tác xã hội rất tích cực, luôn nêu tấm gương trong sáng trước mọi người.

Ông Võ Đình Tiến,

Phó Bí thư Huyện ủy,

Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa

NGUYỄN BÁ THUYẾT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/225693/thuong-binh-nguyen-thi-lien-nang-tinh-dong-doi.html