'Thương mại Mỹ - Trung Quốc, hàm ý tác động tới Việt Nam'

Ngày 22/10/2019, Ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương (NHTW) phối hợp với 8 đảng ủy, chi ủy Khối Chính sách tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề về 'Thương mại Mỹ - Trung Quốc, hàm ý tác động tới Việt Nam'.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Việt Bắc, Phó Bí thư thường trực, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương, Bí thư Chi bộ Khối Dân Đảng; PGS-TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Ngân hàng Trung ương; các đồng chí cấp ủy viên và toàn thể các đồng chí đảng viên thuộc Đảng bộ Học viện Ngân hàng, Đảng bộ Vụ Quản lý ngoại hối, Chi bộ Vụ Thanh toán, Chi bộ Vụ Truyền thông, Chi bộ Vụ Chính sách tiền tệ, Chi bộ Vụ Hợp tác quốc tế, Chi bộ Cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Chi bộ Khối Dân Đảng.

Tại hội nghị, PGS-TS. Trần Đình Thiên đã trình bày thực trạng mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung và cho biết, xu thế toàn cầu hóa làm tăng tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, không chỉ tác động trong phạm vi hai nước mà còn lan sang các nước trong khu vực và đôi khi toàn thế giới. Đối với hai nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, ảnh hưởng của nó đến các nước khác trên thế giới càng rõ rệt và sâu rộng hơn.

Trong 30 năm qua, thực lực kinh tế Mỹ về cơ bản vẫn duy trì vị trí số một thế giới, các quốc gia trên thế giới, trên con đường đi tới sự phát triển đều đặt ưu tiên quan hệ với Mỹ đặc biệt là về kinh tế. Điều này đã giúp cho Mỹ tăng cường khả năng chi phối thương mại toàn cầu. Còn Trung Quốc trong hơn một thập kỷ trở lại đây nổi lên như một động lực tăng trưởng chính trong thương mại quốc tế.

“Nếu coi là một doanh nghiệp, Mỹ chiếm 50% thị trường kinh tế toàn cầu sau Thế chiến II. Năm 1980, tỷ lệ này giảm xuống còn 22%. Ba thập niên tăng trưởng liên tục hai chữ số của Trung Quốc đã hạ con số này xuống 16%. Nếu tiếp tục xu hướng trên, ba thập niên tới, tỷ trọng GDP Mỹ trong GDP toàn cầu giảm xuống còn 11%. Tương ứng, tỷ trọng của Trung Quốc tăng từ 2% năm 1980 lên 18% năm 2016, có thể đạt 30% năm 2040”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên chia sẻ.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Sự dịch chuyển đến từ hệ quả xung đột thương mại Mỹ - Trung lần này là sự chuyển dịch ồ ạt, không chỉ của doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc mà cả các doanh nghiệp của nước này sang các quốc gia lân cận.

Đây là cơ hội cho Việt Nam song cũng phải khéo léo chọn dự án đầu tư có năng lực, công nghệ tốt. Không phải là một nước lớn nhưng Việt Nam lại nằm ở vị trí quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc. Các doanh nghiệp lớn, đầu tư dài hạn công nghệ cao sẽ chọn nơi có môi trường thể chế tốt, lực lượng doanh nghiệp nội địa đủ sức cạnh tranh để đầu tư. Do đó, ngoài cải cách thể chế, chính sách thu hút FDI tới đây phải tạo được sự lan tỏa, kết nối với doanh nghiệp trong nước.

Đối với Việt Nam, hiện nay Mỹ áp dụng chính sách ngoại giao thân thiện như mở rộng hợp tác giao lưu kinh tế, hợp tác trao đổi văn hóa, khoa học, và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và đang vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hội nghị chuyên đề mang đến cái nhìn khách quan đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, từ đó có những sự chuẩn bị đối phó với những tác động lên nền kinh tế.

Theo ông Trần Đình Thiên, các doanh nghiệp có thể đang hưởng lợi trong ngắn hạn nhưng Việt Nam phải có chiến lược đối phó rủi ro dài hạn vì tác động tới kinh tế Việt Nam có thể rất đáng kể và theo cả 2 chiều hướng (tiêu cực và tích cực) trong dài hạn.

Hội nghị cũng mang đến nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, từ đó nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng và Nhà nước với vấn đề đối ngoại và ý thức rõ hơn những bổn phận, trách nhiệm của mỗi đảng viên và mục tiêu cần hướng đến trong thời gian tới.

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thuong-mai-my-trung-quoc-ham-y-tac-dong-toi-viet-nam-93728.html