Thương mại Nga - Trung Quốc sắp đạt cột mốc mới

Trong năm nay, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc dự kiến sẽ lập kỷ lục lịch sử mới, đạt tới 220 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là nước đóng góp lớn hơn vào mức tăng thương mại chung.

Dự báo nêu trên vừa được Quyền Giám đốc Cơ quan Hải quan Liên bang Nga Ruslan Davydov đưa ra.

"Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, kim ngạch chung có thể đạt 220 tỷ USD vào cuối năm nay", ông Ruslan Davydov nói. So với cùng kỳ 2022, kim ngạch thương mại hai nước 9 tháng đầu năm 2023 đã tăng thêm 35 tỷ USD, tương đương 27%.

 Chỉ riêng trong tháng 7, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã đạt 19,4 tỷ USD. Ảnh minh họa: Ảnh: RT.

Chỉ riêng trong tháng 7, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã đạt 19,4 tỷ USD. Ảnh minh họa: Ảnh: RT.

Cơ quan Hải quan Liên bang cho hay đang tìm cách hợp lý hóa các thủ tục để tăng tốc độ giao hàng và tạo điều kiện cho thương mại tăng trưởng hơn nữa.

Năm ngoái, thương mại giữa Moscow và Bắc Kinh đạt kỷ lục 190 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2021, do các lệnh trừng phạt của phương Tây buộc Nga phải chuyển hướng dòng chảy thương mại về phía đông.

Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, cung cấp ôtô, máy móc, hàng điện tử và các sản phẩm khác cho quốc gia này. Trong khi, Nga chủ yếu bán dầu thô và nhiên liệu hóa thạch khác cho Trung Quốc.

Chỉ riêng trong tháng 7, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 19,4 tỷ USD, với xuất khẩu từ Trung Quốc là 10,2 tỷ USD, nhỉnh hơn một chút so với xuất khẩu từ Nga, ở mức 9,2 tỷ USD.

Cũng theo Bộ Phát triển kinh tế Nga, trong nửa đầu năm 2023, khối lượng giao dịch hằng ngày của "cặp đôi" rúp - nhân dân tệ trên sàn giao dịch Matxcơva chạm mốc 2 tỉ USD, tăng gấp 100 lần kể từ đầu năm 2022.

Cho đến nay, nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền trong giao dịch giữa Nga và vùng lãnh thổ Đài Loan, cũng như các nước như Mông Cổ, Philippines, Malaysia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Thái Lan, Nhật Bản, Tajikistan và Singapore.

Đặc biệt, đồng nội tệ của Trung Quốc còn xuất hiện trong một số đợt thanh toán nhập khẩu không thường xuyên giữa Nga với các nước phương Tây như Mỹ, Anh hay Liên minh châu Âu (chiếm khoảng 1-2% các giao dịch).

Sự gia tăng việc sử dụng đồng nhân dân tệ cho thấy Nga đang nỗ lực thay thế việc dùng tiền tệ của các nước "không thân thiện" - các quốc gia đã áp lệnh trừng phạt lên Nga.

Phía Moscow cũng nhiều lần cho rằng đồng đô la và euro đã bị "can thiệp" do các lệnh trừng phạt, và Nga không còn lòng tin đối với các đồng tiền này.

Lê Na (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuong-mai-nga--trung-quoc-sap-dat-cot-moc-moi-post270407.html