Thương nhau từ lời nhắn gửi

Ngồi trong phòng nghỉ, Đại úy Nguyễn Thanh Hải, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn Tập huấn bổ túc, Trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, lần giở cuốn album ngắm những bức ảnh kỷ niệm của gia đình.

Đã hơn 7 năm qua, anh cẩn thận cất giữ những bức ảnh ấy trong ba lô, thi thoảng mở ra xem để vơi nỗi nhớ vợ con. Những ký ức từ ngày xưa lại ào ạt trở về. Nhà anh Hải ở thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ngày còn ở quê, mỗi lần anh đạp xe đi học về qua xóm nhỏ thường thấy một cô bé vô tư chơi bên cổng ngõ. Thời gian trôi qua, anh lên đường nhập ngũ. Cô bé Đỗ Thị Hà ngày nào cũng đã thành thiếu nữ.

Một buổi sớm ngày nghỉ, khi đó anh là học viên năm thứ 3 của Trường Sĩ quan Chính trị, đang vui cùng đồng đội ở căng tin thì thấy có hai cô gái ngập ngừng bước vào. Anh ngóng ra nhìn rồi thốt lên ngỡ ngàng: “Ơ... Hà! Em lên thăm ai vậy?”. Sau giây phút ngập ngừng, Hà thẹn thùng: “Em cùng bạn lên thăm các anh bộ đội. Thế anh Hải cũng học ở đây à?”. “Ừ, em ngồi xuống đây chơi rồi hẹn bạn ra nói chuyện nhé. Cùng là bộ đội với nhau, không phải ngại đâu em”.

Cái cảm giác đi xa gặp được người cùng quê thật là quý. Buổi gặp mặt bất ngờ bỗng trở thành chuyện vui. Đồng đội, bạn bè hai bên được dịp cứ thế gán ghép hai người với nhau. Đến lúc chia tay, Hà nói: “Anh có nhớ thì về tìm người ở quê”. Nghe lời nhắn gửi ấy không biết là đùa hay thật mà anh cứ trăn trở mãi.

Nguyễn Thanh Hải và Đỗ Thị Hà chụp ảnh kỷ niệm trước ngày cưới. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nguyễn Thanh Hải và Đỗ Thị Hà chụp ảnh kỷ niệm trước ngày cưới. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Thế rồi dịp nghỉ hè năm ấy, anh quyết định đến thăm nhà cô gái trong xóm. Hai người gặp lại nhau, câu chuyện mặn nồng hơn. Ngày anh ra trường về công tác tại Trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cô gái đã trở thành sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia. Hai người cùng xóm vậy mà chẳng mấy khi gặp nhau.

Tình cảm cũng chỉ biết gửi gắm qua những dòng tin nhắn điện thoại. Có lần Hà đem đến cho anh một điều bất ngờ. Đó là một ngày mưa rét đầu đông năm 2013, Hà lặn lội đến thăm anh mà không báo trước. Mưa làm cô gái ướt mái tóc dài, người run lên vì lạnh. Ngồi trong phòng tiếp khách, Hà tặng anh bó hoa cùng lời chúc mừng sinh nhật. Anh xúc động không nói lên lời. Trong tâm tưởng anh cảm nhận đây sẽ là người con gái cùng đi chung lối về. Và rồi mùa đông năm sau, họ nên duyên vợ chồng.

Về chung một nhà, anh đi công tác xa, còn chị một mình đảm đương mọi việc. Ngay cả những lúc quan trọng nhất, anh cũng không có ở bên. Lần sinh con đầu lòng, chị chuyển dạ phải nhờ người thân đưa đến viện. Bác sĩ hỏi chồng đâu để ký giấy làm các thủ tục sinh mổ nhưng anh chưa về kịp. Lúc ấy, chị rớm nước mắt vì tủi thân. Thế nhưng khi anh về ôm ấp con trai đầu lòng, chị bỗng thấy lòng nhẹ đi, tình yêu thương lại dâng trào.

Lần thứ hai cũng vậy. Dịp ấy anh Hải đang tham gia khóa đào tạo giáo viên tại Học viện Chính trị. Ngày chị Hà sinh vào đúng hôm anh thi kết thúc môn, điện thoại không mang theo. Khi về phòng nghỉ mở điện thoại ra mới thấy có rất nhiều cuộc gọi nhỡ. Anh gọi lại thì biết vợ đã sinh con gái. Những lời động viên vợ tuy muộn màng nhưng chị không trách mà chỉ nhắn rằng: “Mẹ con em vẫn luôn đợi anh về”.

Công việc cơ quan, gia đình dẫu có bộn bề nhưng chị Hà vẫn gắng đảm đương để anh yên tâm công tác. Nhớ về gia đình nhỏ của mình, Đại úy Nguyễn Thanh Hải luôn thầm cảm ơn người vợ đảm đang chu toàn mọi việc, người đã có lời nhắn gửi để cả cuộc đời anh dành trọn yêu thương.

ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/thuong-nhau-tu-loi-nhan-gui-677391