'Thượng phương bảo kiếm' chưa thể phát huy hết hiệu quả

Xử lý tốt nợ xấu, các ngân hàng sẽ có thêm vốn để đầu tư cho nền kinh tế. Ảnh minh họa: LÊ HẢO

Nghị quyết 42/2017/QH14 từng được ví như “thượng phương bảo kiếm” mà Quốc hội trao cho các tổ chức tín dụng để phá vỡ tảng băng nợ xấu. Tuy nhiên, vì hành lang pháp lý chưa đồng bộ, các văn bản hướng dẫn chưa được triển khai kịp thời, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền chưa nhất quán... nên việc xử lý nợ xấu theo nghị quyết này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho phép ngân hàng có quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) nếu khách hàng cố tình không hợp tác. Tuy nhiên trên thực tế, việc thu giữ TSĐB hiện nay vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xử lý thu hồi nợ xấu.

Xử lý được 1.500 tỉ đồng nợ xấu

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức tín dụng có quyền thu giữ TSĐB của khoản nợ xấu. Quy định này phát đi thông điệp bảo vệ quan hệ có vay - có trả, khẳng định quyền của chủ nợ, là điều mà các tổ chức tín dụng mong mỏi. Tuy nhiên, để thực hiện được quyền này, ngân hàng vẫn cần đến sự hỗ trợ của cơ quan công an các cấp.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, công tác xử lý nợ xấu ở Phú Yên đã được hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, ý thức trả nợ của khách hàng cũng chuyển biến rõ rệt, hợp tác với ngân hàng để xử lý dứt điểm nợ xấu, giúp rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho cả bên đi vay và bên cho vay. Tính đến giữa năm 2020, tổng nợ xấu trên địa bàn tỉnh xác định theo Nghị quyết 42 là hơn 1.340 tỉ đồng, giảm hơn 56,3 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2019. Trong đó, nợ xấu ngắn hạn gần 476,8 tỉ đồng, chiếm 35,5%; nợ xấu trung, dài hạn hơn 863,3 tỉ đồng, chiếm 64,4% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Tổng nợ xấu đã được xử lý lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/6/2020 hơn 1.495,6 tỉ đồng. Cụ thể, kết quả xử lý nợ xấu nội bảng hơn 1.256 tỉ đồng; trong đó, khách hàng trả nợ khoảng 1.082,5 tỉ đồng; bán, phát mại TSĐB để thu hồi nợ 887 triệu đồng; sử dụng dự phòng rủi ro gần 168 tỉ đồng; hình thức xử lý nợ khác hơn 4,6 tỉ đồng. Kết quả xử lý nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 hơn 191 tỉ đồng, trong đó xử lý TSĐB gần 104,4 tỉ đồng. Kết quả xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt hơn 216,5 tỉ đồng, trong đó xử lý bằng TSĐB hơn 6 tỉ đồng.

Theo ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, nợ xấu theo Nghị quyết 42 trên địa bàn tỉnh tập trung ở một số tổ chức tín dụng gồm Agribank Phú Yên (chiếm 48%), BIDV Phú Yên (chiếm 30,3%) và VietinBank Phú Yên (chiếm 15%). Trong đó chủ yếu là nợ cơ cấu của Agribank Phú Yên và nợ hạch toán ra ngoại bảng của VietinBank Phú Yên, BIDV Phú Yên. “Việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt là số tiền khách hàng tự trả nợ sau khi thỏa thuận với ngân hàng chiếm tỉ lệ cao trong kết quả xử lý nợ xấu nội bảng. Tuy nhiên, việc thu giữ, xử lý TSĐB thông qua áp dụng thủ tục rút gọn, thực hiện quyền ưu tiên thu hồi nợ khi xử lý TSĐB... theo Nghị quyết 42 hầu như chưa được áp dụng trên địa bàn”, ông Trí cho hay.

Khó thu giữ tài sản đảm bảo

Nói về những khó khăn trong việc xử lý TSĐB của khách hàng theo Nghị quyết 42, ông Trần Văn Tập, Phó Giám đốc Agribank Phú Yên cho biết: Điều 12 Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán quy định “Số tiền thu giữ từ xử lý TSĐB ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm...”. Tuy nhiên trên thực tế, ngân hàng gặp rất nhiều vướng mắc khi thực hiện quy định này. Cụ thể, tại Agribank Phú Yên, trong quá trình xử lý tài sản thế chấp gắn liền với đất của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Mẫn Đạt (KCN An Phú), do khách hàng còn nợ tiền thuê đất, Trung tâm Dịch vụ công ích (Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên) yêu cầu phải thanh toán hết tiền thuê đất còn nợ của khách hàng nếu không sẽ không ký hợp đồng thuê đất cho người mua tài sản. Điều này làm kéo dài thời gian xử lý nợ và giảm giá trị tài sản.

Theo ông Trần Kim Hiếu, Phó Giám đốc VietinBank Phú Yên, Nghị quyết 42 là khuôn khổ pháp lý để ngân hàng và khách hàng có thể thực hiện cam kết ngay từ khi ký hợp đồng, tránh tình trạng khi đi vay khách hàng cam kết thế chấp nhưng khi ngân hàng đòi nợ, khách hàng lại không hợp tác với ngân hàng để xử lý TSĐB. Tuy nhiên, hiện nay, do hành lang pháp lý chưa đồng bộ, các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết 42 còn một số bất cập; một số nội dung trong nghị quyết chưa được các cơ quan liên quan hướng dẫn kịp thời; trách nhiệm pháp lý của cơ quan hỗ trợ ngân hàng thu giữ tài sản chưa rõ ràng, thái độ bất hợp tác của khách hàng, bên có tài sản của khoản nợ xấu... nên ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

“Điển hình như về quyền thu giữ tài sản, theo Nghị quyết 42, quyền thu giữ TSĐB đi kèm với điều kiện hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ TSĐB. Trong khi đó tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, hầu hết hợp đồng thế chấp của những khoản nợ xấu cần xử lý lại chưa có điều khoản này. Do vậy, chi nhánh phải đàm phán với bên vay để điều chỉnh hợp đồng và rất khó thuyết phục khách hàng ký phụ lục. Hiện tại VietinBank Phú Yên chưa áp dụng trường hợp nào về thu giữ tài sản của khách hàng theo Nghị quyết 42 vì các hợp đồng ký thế chấp trước đây chưa thỏa thuận điều khoản ngân hàng được quyền thu giữ tài sản nếu khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng. Bên cạnh đó, các khoản nợ xấu tại VietinBank Phú Yên tập trung vào ngành khai thác mỏ (đá vật liệu xây dựng) và xây dựng công trình giao thông; kinh doanh thiết bị chuyên dùng (máy ủi, máy đào); ngành kinh doanh vận tải, dịch vụ bốc dỡ. Giá trị tài sản của các khoản nợ này (đặc biệt là nợ ngoại bảng) đa số là động sản (thiết bị chuyên dùng, máy móc...) nay đã xuống cấp, lạc hậu. Nếu xử lý theo Nghị quyết 42, chi nhánh sẽ khó thu hồi nợ gốc”, ông Hiếu phân tích.

Cần sự hỗ trợ của cơ quan liên quan

Theo ông Trần Kim Hiếu, để phát huy hiệu quả của Nghị quyết 42 trong việc xử lý nợ xấu, ngân hàng mong muốn thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác này, quy định cụ thể hơn vai trò của chính quyền địa phương, lực lượng công an trong việc phối hợp thu giữ TSĐB. Về phần mình, các ngân hàng sẽ chấn chỉnh hoạt động tín dụng của chi nhánh, hạn chế nợ xấu phát sinh, tiếp tục xử lý nợ xấu còn tồn đọng bằng hình thức thỏa thuận thu giữ TSĐB (nếu khách hàng đồng thuận hợp tác) xử lý bán thu hồi nợ hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định pháp luật.

Đại diện một số ngân hàng khác cũng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành liên quan sẽ sớm có những hướng dẫn cụ thể về nhiều quy định trong Nghị quyết 42 như việc áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án hoặc quy định cho phép thu hồi nợ gốc trước khi nộp thuế để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu...

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên Trần Văn Trí cho biết: Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát các vướng mắc; đưa ra đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cũng sẽ làm việc với các sở, ngành có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn để hỗ trợ ngân hàng tháo gỡ vướng mắc liên quan, đặc biệt là việc thực hiện quyền thu giữ TSĐB. Bởi đây là điểm mấu chốt để triển khai Nghị quyết 42 hiệu quả hơn.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/245449/-thuong-phuong-bao-kiem--chua-the-phat-huy-het-hieu-qua.html