Thường trực Hội đồng Dân tộc họp mở rộng

Chiều 28.6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã họp mở rộng, tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2011/NĐ – CP ngày 14.1.2011 của Chính phủ về công tác dân tộc.

Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, Nghị định số 05/2011/NĐ – CP về công tác dân tộc do Chính phủ ban hành từ năm 2011. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhất là quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Kết luận số 65 – KL/TW của Bộ Chính trị ngày 30.10.2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Hiến pháp năm 2013 đã thể chế, bổ sung một số nội dung quan trọng có liên quan về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đòi hỏi phải được thế chế hóa.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung đã bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thể chế đầy đủ quan điểm của Đảng, Hiến pháp về công tác dân tộc hay chưa; đề xuất giải pháp, kiến nghị, nên sửa đổi, bổ sung, hay ban hành Nghị định mới…

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/2011/NĐ – CP về công tác dân tộc, đại diện Ủy ban Dân tộc nêu rõ, mục đích sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, các Luật, Nghị quyết của Quốc hội về công tác dân tộc; quy phạm hóa các văn bản, chính sách để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nội dung không còn phù hợp của Nghị định 05/2011/NĐ – CP nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung làm rõ thêm một số thuật ngữ như “công tác dân tộc”, “vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn”, “chính sách dân tộc”; quy định rõ nội hàm của “vùng đồng bào dân tộc thiểu số” là địa bàn tỉnh, huyện, xã, thôn có tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống ổn định chiếm từ 15% trở lên trong tổng số dân của địa bàn (là căn cứ để phân định những địa bàn này theo trình độ phát triển)…

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung mới quy định về phân định “vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển” (phân định 3 khu vực), giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết để quy định rõ địa bàn (tỉnh, huyện, xã, thôn) và các tiêu chí phân định linh hoạt, phụ thuộc vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện phân định 3 khu vực như hiện nay, làm cơ sở để triển khai thực hiện chính sách dân tộc ổn định, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2011/NĐ – CP và cho rằng, dự thảo Nghị định còn một số nội dung chung chung, sử dụng nhiều từ “tăng cường”, “đẩy mạnh”; có ý kiến đề nghị dự thảo Nghị định quan tâm đến chính sách về rừng, chính sách xã hội, chính sách ngoại biên cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Có ý kiến chỉ ra, một số nội dung trong Kết luận số 65 - KL/TW chưa được đưa vào dự thảo Nghị định như: giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp, đào tạo nghề, xóa bỏ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng phát triển, quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số, chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi dân tộc thiểu số…

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/thuong-truc-hoi-dong-dan-toc-hop-mo-rong-i377344/