Tiềm năng và thành tựu phát triển kinh tế miền Trung

Ngày 20.8, tại Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung.

Đà Nẵng, 1 trong chuỗi 7 đô thị lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: VGP/Thế Phong

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hội nghị do Thủ tướng chủ trì thời gian qua, tiếp theo Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, về vấn đề dân di cư tự do tại Tây Nguyên…

Vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (thường được gọi là miền Trung) gồm 14 tỉnh (6 tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và 8 tỉnh Nam Trung Bộ: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, kết nối hai miền Nam-Bắc. Dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước.

Đặc biệt, biển miền Trung là tài nguyên quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam, với 1.900 km chiều dài đường bờ biển. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển, địa bàn chiến lược thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của tỉnh vùng Tây Nguyên, là bệ đỡ cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.

Trong đó, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập cách đây 22 năm (theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ số 1018/1997/QĐ-TTg ngày 29.11.1997) gồm 5 tỉnh, thành phố Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, có diện tích tự nhiên là 27.881,7 km2 (chiếm 8,45% diện tích cả nước), dân số khoảng 6,5 triệu người (chiếm trên 7,0% dân số cả nước). Khu vực này nằm ở vị trí trung độ của đất nước, là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế nên có điều kiện thuận lợi để hình thành hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc-Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, nối Myanmar, Lào, Campuchia với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương. Đến nay, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã hình thành chuỗi 7 đô thị lớn là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Vạn Tường, Quảng Ngãi và Quy Nhơn với các trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại...

Cùng với đó, nơi đây còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế về biển đảo và danh lam thắng cảnh, thuận lợi để phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế khác gắn liền với biển.

Bên cạnh đó, với lợi thế lớn về kết cấu hạ tầng giao thông gồm cả 4 loại hình: đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không cả trong nước lẫn quốc tế và đang được nâng cấp, hiện đại hóa, sự giao lưu giữa Vùng với các địa phương miền Trung, với Tây Nguyên và với hai đầu đất nước ngày càng thuận lợi và được đẩy mạnh. Toàn vùng hiện nay có 4 sân bay, hệ thống cảng biển khá dày đặc, trong đó có nhiều cảng biển quan trọng, như Chân Mây, Tiên Sa, Liên Chiểu, Kỳ Hà, Quy Nhơn… tạo nên hệ thống cảng biển phục vụ phát triển kinh tế vùng và hình thành nên con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới.

Những thành tựu nổi bật

Trong nhiều năm qua, cùng với sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ, các địa phương trong vùng đã nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, từng bước thay đổi diện mạo của khu vực này. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, kinh tế 14 tỉnh, thành phố vùng miền Trung đang đồng loạt khởi sắc, tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng năm 2019 của vùng đạt cao so với bình quân chung cả nước.

6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả vùng đạt khoảng 8,05%, cao hơn bình quân chung cả nước (bình quân cả nước 6,76%); trong đó có 8/14 địa phương tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá, đạt khoảng 12,8% (cả nước 8,93%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vững vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành.

Một điểm sáng khác là kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của vùng tăng cao hơn bình quân chung cả nước. Theo báo cáo của các địa phương tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 6,950 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2018 (cả nước tăng 9,05%).

Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước tới nay. Tính đến hết tháng 6.2019, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 100,73 nghìn tỷ đồng, bằng 57% dự toán Trung ương giao (173,5 nghìn tỷ đồng) cao hơn mức bình quân cả nước 52,8%, tăng 18% so cùng kỳ năm 2018.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng, số vốn FDI đăng ký mới tăng cao hơn so với cùng kỳ 2018. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản lý và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục được cải thiện trên bảng xếp hạng cả nước. Phát triển doanh nghiệp ổn định, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Riêng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn duy trì mức tăng trưởng kinh tế ổn định và đạt khá (tốc độ tăng trưởng GRDP toàn vùng năm 2018 theo giá so sánh 2010 khoảng 7,7%, cao hơn mức tăng của cả nước là 7,08%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (dịch vụ-công nghiệp, xây dựng-nông nghiệp); hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp và phát triển; tổng mức đầu tư tăng trưởng khá; thu chi ngân sách ổn định và tăng trưởng khá; ngành du lịch tăng trưởng tốt, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của toàn vùng; các vấn đề xã hội từng bước được giải quyết, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện… Nếu như trước đây ven biển là những làng chài, cát trắng thì hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã hình thành chuỗi 7 đô thị lớn với các trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại; có 4 khu kinh tế đang phát triển trải dài trên 609 km bờ biển là Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định), một khu công nghệ cao Đà Nẵng cùng với hệ thống chuỗi khu công nghiệp, khu chế xuất, khai thác lợi thế gần cảng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, triển khai thực hiện và đang kêu gọi đầu tư; hệ thống kho bãi quốc gia và quốc tế gắn với hệ thống cảng tổng hợp quốc tế và các đầu mối giao thông liên vùng, xuyên quốc gia; nhiều dự án đầu tư, doanh nghiệp lớn được cấp phép và đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho ngân sách và giải quyết việc làm tại các địa phương…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2019 của các tỉnh trong vùng miền Trung sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó, GRDP ước đạt 8,5%; các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, số lượng khách du lịch... tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, có 9/10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế-xã hội

Tuy nhiên, là vùng đất giàu tiềm năng nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong phát triển miền Trung, mà trước hết là động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ năm 2019 có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng-quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng-quốc lộ 14B-14D-Nam Giang-Đông-Tây; Dung Quất-Tây Nguyên; Quy Nhơn-Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ. Xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; Chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế vùng; Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp (tỷ lệ qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%). Vùng cũng chưa có được sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ, ít dự án quy mô lớn...

Và dù hội tụ lợi thế hiếm có song nhìn chung, du lịch các tỉnh miền Trung nhiều năm nay vẫn còn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác hết. Trong đó, hệ thống cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3-5 sao của toàn vùng chiếm 48,8% nhưng tập trung chủ yếu tại các địa phương trọng điểm là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa... Nhiều địa bàn có tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng, đơn cử như ở Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, số lượng khu du lịch cao cấp và khách sạn 5 sao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như vậy, có thể thấy thiếu liên kết là bài toán thách thức của du lịch miền Trung đã tồn tại trong nhiều năm nay.

Theo đó, Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung tới đây sẽ nhằm giới thiệu trực tiếp các tiềm năng, cơ hội đầu tư của các tỉnh khu vực miền Trung nói chung tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Hội nghị cũng nhằm xác định những vấn đề tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, đề xuất giải pháp phát triển bền vững vùng miền Trung, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

KHANH BÙI (TTXVN)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/tiem-nang-va-thanh-tuu-phat-trien-kinh-te-mien-trung-114657