Tiến độ giải ngân phải gắn liền với chất lượng

Khẳng định tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất chậm, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các văn bản hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân với tinh thần tiến độ phải gắn liền với chất lượng, có kết quả nhưng phải có hiệu quả, tránh dàn trải.

7 tỉnh chưa phân bổ, giao vốn của Chương trình

Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) trong năm 2022 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 16 cho thấy, còn 7 tỉnh chưa phân bổ, giao vốn của Chương trình; 6 tỉnh chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18.11.2019 đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, ngày 19.6.2020 cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình giai đoạn 2021 - 2030. Có nghĩa sắp tròn 3 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội và 2 năm phê duyệt ngân sách cho Đề án theo Nghị quyết số 120 của Quốc hội, nhưng đến nay vẫn chậm. Việc ban hành các chế độ, chính sách để triển khai chương trình gần như... "đứng tại chỗ".

Các bộ, ngành phải khẩn trương sơ kết, đánh giá 1 năm thực hiện Chương trình, rà soát nội dung cơ chế, chính sách đã ban hành để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Từ sau Nghị quyết số 88 của Quốc hội đến nay đã gần 3 năm thực hiện, người dân cả nước nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng rất quan tâm đến tiến độ thực hiện Chương trình, vì đây là quyền lợi của người dân, phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào.

Chính phủ phải đề ra tiến độ, thời gian cụ thể thực hiện phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia. Bảo đảm nguyên tắc đầu tư công khai, dân chủ, minh bạch, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện. Đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Đồng thời, huy động, khuyến khích sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đặt câu hỏi: Nguyên nhân nào khiến 7 tỉnh chậm trễ trong việc phân bổ nguồn vốn cho Chương trình?

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết thêm, theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình được giao hơn 47 nghìn/50 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương. Riêng năm 2022, các tỉnh dự kiến bố trí khoảng 894,170 tỷ đồng vốn đối ứng để triển khai thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, số giải ngân so với số bố trí đạt được còn rất khiêm tốn. Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, nhất là thời gian sắp hết, chỉ còn lại một quý của năm 2022, mà yêu cầu đặt ra phải đạt tới 91%, liệu có khả thi?

Trưởng ban Công tác đại biểu cũng nêu rõ, thời gian rất ngắn, đây lại là Chương trình mới, rất khó, không như Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững - 2 Chương trình này đã có nguyên tắc và cách thức phân bổ ngân sách đi vào nền nếp tại các địa phương. Chương trình đặt ra yêu cầu tích hợp và lồng ghép nhiều mục tiêu, nhiều dự án, nên có sự khó khăn nhất định. Tuy nhiên, không phải vì gấp rút tiến độ giải ngân mà cố giải ngân cho bằng được, không quan tâm đến hiệu quả của Chương trình. Nhấn mạnh điều này, Trưởng ban công tác đại biểu lưu ý, “sử dụng đồng vốn phải thực sự hiệu quả, nhất là ở những tỉnh miền núi, địa bàn bàn khó khăn”.

Có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tham mưu, ban hành Nghị định

Giải trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thừa nhận, giải ngân vốn của Chương trình rất chậm. Trong Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thời gian ban hành văn bản hướng dẫn của Trung ương còn chậm, từ Trung ương rồi mới đến các địa phương tiếp tục ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chí, nguyên tắc hỗ trợ các nguồn lực thuộc ngân sách địa phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chương trình phân cấp mạnh cho các địa phương, kể cả ở cấp huyện, cấp xã. Nguồn lực cho các dự án cũng tương đối tổng hợp (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) do vậy, sự phối hợp còn chưa đồng đều, triển khai chưa được tốt, đến nay giải ngân rất thấp và "chúng tôi cũng băn khoăn". Như báo cáo của Ủy ban Dân tộc, thì tỷ lệ giải ngân chưa vượt 14%. Trong khi đó, mục tiêu cuối năm nay đặt ra là phải giải ngân được 91,93%.

Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, xét trong thực tiễn triển khai có khó khăn, vướng mắc gì để kịp thời sửa đổi. Tiếp tục có các giải pháp cụ thể để giải ngân hết các nguồn vốn…

Khẳng định, việc thực hiện Chương trình chậm "có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư" trong tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định, song Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ, sau này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tiến bộ và khắc phục từ tháng 5.2021 đến nay. Bộ cần tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các địa phương thực hiện đôn đốc, triển khai đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thực hiện kiểm tra và giao ban hàng tháng về vấn đề này.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới, khó, yêu cầu phải ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được bước đầu của Chương trình, đồng thời chia sẻ, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, của Ủy ban Dân tộc đã phối hợp xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ở trung ương và địa phương để thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát 3 chương trình MTQG trong năm 2023 chính là sự đồng hành cùng với Chính phủ; nhất là có giai đoạn chương trình triển khai rất chậm so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Đến nay, vẫn còn có Đề án chưa được một số bộ, ngành ban hành, vì vậy các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, ban hành sớm và ngay các đề án phân bổ, giải ngân vốn đầu tư. Đồng thời làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút kinh nghiệm từ 2 Chương trình MTQG là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để bàn cơ chế, giải pháp trong đôn đốc, phân bổ vốn, tăng cường kiểm tra, giải ngân từ nay đến cuối năm và trong năm 2023. Đồng thời, rà soát kỹ cơ chế điều phối của Chương trình, việc lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, ban hành nhiều văn bản nhưng phải rà soát tính đồng bộ, liên thông, tính khả thi của các văn bản đã được ban hành. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, “tiến độ giải ngân phải gắn liền với chất lượng, có kết quả nhưng phải có hiệu quả, tránh dàn trải”.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tien-do-giai-ngan-phai-gan-lien-voi-chat-luong-i303694/