Tiền Giang: Phát huy tính chủ động và phối hợp trong công tác pháp chế

Ngày 15-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu chủ trì Hội nghị chuyên đề công tác pháp chế. Cùng tham dự có đại diện HĐND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo, những năm qua, Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch, cán bộ pháp chế, báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật và các chức danh tư pháp như công chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại… không ngừng lớn mạnh, vững về nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng còn những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Công Hùng, thời gian qua, Trung ương và địa phương có rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc…; ngành Tư pháp cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ, định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ pháp chế…; kịp thời phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND các cấp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác phối hợp thực hiện những nhiệm vụ chung trên cũng bộc lộ nhiều hạn chế, có thể nói nguyên nhân cơ bản chung là chưa “đúng vai, thuộc bài”, đôi lúc chưa rõ là chủ trì hay phối hợp, trách nhiệm chính là của ai, phải xử lý như thế nào.

Đồng chí Nguyễn Thành Diệu phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Thành Diệu phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể: Đối với công tác văn bản, pháp chế dường như vai trò của cán bộ pháp chế chưa được phát huy, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; cán bộ pháp chế chưa đáp ứng yêu cầu công việc… Việc xây dựng và ban hành văn bản, dù có quy chế phối hợp rõ, nhưng trong vài trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chuyên môn chưa phát huy đúng vai trò của mình, còn chủ quan dựa vào sự góp ý, thẩm định, ý kiến tập thể… trong khi các quy định liên quan quy định khá rõ trách nhiệm từng khâu trong quy trình.

Đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Luật PBGDPL quy định khá rõ vai trò của các ngành, của các cấp Hội đồng phối hợp PBGDPL, từng thành viên trong Hội đồng; nhiệm vụ của đơn vị cấp tỉnh là tuyên truyền chung những nội dung mới, cấp huyện, xã cần cụ thể hóa, bám sát theo từng nhu cầu, đối tượng riêng…; vấn đề nào là chủ động thực hiện, vấn đề nào là phối hợp… nhưng hiệu quả công tác này chưa như kỳ vọng, chưa đáp ứng yêu cầu chính đáng của xã hội; trong một số trường hợp còn nhầm trách nhiệm, nghĩa vụ…; sử dụng chưa hiệu quả nguồn lực được giao; kết quả thực hiện rất nhiều nhưng chưa thống kê báo cáo đầy đủ, tách bạch…

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang Phạm Công Hùng phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang Phạm Công Hùng phát biểu tại hội nghị.

Đối với công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, việc triển khai thực hiện chưa đúng, chưa đủ, xử lý chưa kiên quyết, có tâm lý trông chờ vào ý kiến góp ý, chỉ đạo… Nhiều hồ sơ xử lý vi phạm hành chính sơ hở, nhiều quyết định chưa được thi hành, những sai phạm nhỏ do không kiên quyết xử lý trở thành vấn đề phức tạp về tính pháp lý và nếu bây giờ xử lý sẽ lãng phí tài sản của người dân, nhưng nếu không xử lý thì tính nghiêm minh của pháp luật bị thách thức…

Do đó, tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến xoay quanh vào 3 lĩnh vực chính, gồm: Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý vi phạm hành chính. Trong đó, nội dung các đại biểu đề xuất về phát huy tính chủ động, trách nhiệm và nâng cao vai trò của pháp chế trong công tác xây dựng, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công tác triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn tồn đọng; việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” của ngành Thông tin và truyền thông; đề xuất những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh…

Quang cảnh đại biểu tham dự hội nghị.

Quang cảnh đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Diệu đề nghị, cần tiếp tục chủ động và phối hợp tuyên truyền, phổ biến về công tác giáo dục pháp luật; cần tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa và đồng thời đi liền với kỷ cương pháp chế, đây là một điểm mới trong công tác pháp lý, pháp chế. Đồng thời, trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao cần thực hiện đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền và pháp lý.

LÊ MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202302/tien-giang-phat-huy-tinh-chu-dong-va-phoi-hop-trong-cong-tac-phap-che-971501/