Tiên phong chuyển đổi số

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp đào tạo ở bậc đại học. Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin là đơn vị đi đầu trong thực hiện số hóa ở Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) và cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu khối các trường đại học của cả nước trong chuyển đổi số về thư viện, học liệu…

Hệ thống thiết bị hiện đại của Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin (Đại học Thái Nguyên) đã được số hóa, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học kết nối trong nước và quốc tế.

Hệ thống thiết bị hiện đại của Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin (Đại học Thái Nguyên) đã được số hóa, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học kết nối trong nước và quốc tế.

Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin là đơn vị đầu tiên của ĐHTN ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý từ năm 2008. Ngay từ khi mở cửa phục vụ giảng viên, sinh viên, tất cả các hoạt động của Trung tâm đã được ứng dụng phần mềm, thoát ly khỏi cách quản lý truyền thống là ghi chép bằng giấy bút. Để chạy được các phần mềm, đơn vị đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu số với dung lượng rất lớn, ví dụ như phần mềm Thư viện số với dữ liệu của trên 120.000 sinh viên của ĐHTN từ năm 2007 trở lại đây, dữ liệu chi tiết của 80.000 tài liệu...

Với 15 phần mềm đang sử dụng, Trung tâm là đơn vị duy nhất trong ĐHTN không cần ghi chép hoặc sử dụng bản cứng trong mọi hoạt động, trong đó có một số phần mềm điển hình như thư viện số, chấm công, mượn chìa khóa tủ gửi đồ, đăng ký phòng thảo luận nhóm, đăng ký sử dụng máy tính... Đặc biệt, hệ thống phần mềm thư viện số của đơn vị cho phép bạn đọc truy cập sử dụng tài nguyên số của đơn vị mọi lúc, mọi nơi. Nhờ những tiện ích này, các đơn vị thành viên của ĐHTN đều có thể triển khai sâu rộng đến giảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên, nghiên cứu sinh thuận tiện. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình học tập, nghiên cứu của mỗi cá nhân, đánh giá được hiệu quả và chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học cũng như những công bố, sáng kiến của từng cá nhân.

GS-TS Nguyễn Duy Hoan, Giám đốc Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin chia sẻ: Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số, rất nhiều hoạt động giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học theo phương thức truyền thống sẽ dần được thay bởi phần mềm, công nghệ mô phỏng... Việc kết nối giáo dục - đào tạo sẽ được mở rộng không chỉ trong nước mà tới toàn cầu. Giáo dục đại học muốn đi xa trong thời đại công nghệ 4.0 thì phải nhanh chóng và đi đầu về chuyển đổi số cho từng cấp bậc học. Đối với Trung tâm, bên cạnh sự đầu tư thiết bị hiện đại, chúng tôi xác định phải liên tục nâng cao chất lượng cán bộ và con người khi vận hành chuyển đổi số, nhằm thay đổi tư duy theo số hóa và kết nối không giới hạn về tri thức, học thuật và khoa học, công nghệ…

Sinh viên Đại học Thái Nguyên sử dụng hệ thống mượn trả sách tự động tại Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin.

Sinh viên Đại học Thái Nguyên sử dụng hệ thống mượn trả sách tự động tại Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin.

Trải qua 13 năm xây dựng và phát triển, tuy chưa thể có những giá trị về bề dày và kinh nghiệm hoạt động nhưng Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin đã được ĐHTN lựa chọn là một trong những điểm nhấn về hệ sinh thái khoa học và công nghệ đi tắt, đón đầu, từ đó đã tạo dựng Trung tâm trở thành đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số. Với 120.000 tài liệu, trong đó 60% đã được số hóa (khoảng 2,5 triệu trang) Trung tâm trở thành đơn vị dẫn đầu trong hệ thống thư viện đại học Việt Nam trong công tác số hóa và chuyển đổi số. Nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu số lớn, đa dạng nên, đến nay đã có gần 14 triệu lượt truy cập, sử dụng tài liệu từ xa, trên 6 triệu lượt người trực tiếp đến sử dụng các dịch vụ miễn phí của Trung tâm.

Đến nay, Trung tâm đã sản xuất 104 môn học bài giảng trực tuyến, trong đó 47 môn có bài giảng được sản xuất hoàn chỉnh theo các tiêu chuẩn quốc tế; 80% giáo trình, 100% luận văn luận án đã được số hóa. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, gần 986 môn học đã áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến. Bên cạnh hệ thống tài nguyên số nội sinh, hệ thống dữ liệu của ĐHTN do Trung tâm quản lý đã kết nối với nhiều trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới như Thư viện Quốc hội Mỹ, Thư viện Đại học RMIT (Úc), hệ thống dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB)...

Để phát huy tốt hiệu quả ứng dụng số hóa và thế mạnh về nguồn nhân lực, trang thiết bị, Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin đã hỗ trợ 38 trường đại học, cao đẳng, 11 thư viện cấp tỉnh trong cả nước về công tác chuyển đổi số, như: Trang bị phần mềm quản lý thư viện bản quyền, số hóa 1,5 triệu trang tài liệu, cung cấp truy cập tài nguyên nội sinh của ĐHTN. Một số đơn vị đã và đang được hỗ trợ, kết nối của Trung tâm đã phát huy tốt hiệu quả trong hoạt động chuyên môn, như: Học viện Cảnh sát, Trường Đại học Kỹ thuật hậu cần (Bộ Công an), Trường Đại học Hàng hải, Thư viện tỉnh Thái Nguyên... Đây chính là cơ sở để xây dựng môi trường đại học điện tử của ĐHTN trong tương lai.

Với những kết quả đạt được trong những năm qua, Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin không chỉ là cơ sở dữ liệu lớn khi chuyển đổi số mà đang hình thành môi trường học tập, nghiên cứu khoa học hiện đại trong hệ sinh thái về khoa học - công nghệ của ĐHTN. Việc chuyển đổi số của Trung tâm không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo mà chính là hướng đến nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn phát triển tri thức trong thời kỳ hội nhập quốc tế…

Trần Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/tien-phong-chuyen-doi-so-278706-205.html