Tiền triều Lê sơ (1428 - 1527) - Kỳ I: Tiền đời vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433)
Triều Lê sơ gồm 10 đời vua, trong đó Lê Thái Tổ là người sáng lập và Lê Thánh Tông là người đưa vương triều Lê đến giai đoạn phát triển thịnh trị nhất...

Bối cảnh lịch sử
Lê Lợi, người hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hóa. Năm 1418, ông đã chiêu tập nghĩa quân, khởi nghĩa ở Lam Sơn. Sau 10 năm, cuối năm 1427, Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, khôi phục nền độc lập của dân tộc, được các sử gia coi là thời kỳ trung hưng lần thứ hai của dân tộc.
Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Lê sơ, đặt lại quốc hiệu là Đại Việt. Triều Lê kéo dài 361 năm (1428 - 1788), gồm 2 thời kỳ: Lê sơ (1428 - 1527) và Lê Trung Hưng (1533 - 1788).
Triều Lê sơ gồm 10 đời vua, trong đó Lê Thái Tổ là người sáng lập và Lê Thánh Tông là người đưa vương triều Lê đến giai đoạn phát triển thịnh trị nhất.
Về tình hình tài chính tiền tệ, sau những năm khủng hoảng tiền tệ dưới triều Hồ (tiền đồng khan hiếm, tiền giấy không được dân ưa dùng) và sau nhiều năm chính quyền đô hộ nhà Minh không đúc tiền, nhu cầu đồng tiền trong lưu thông hàng hóa trở nên cấp thiết. Vì vậy, sau một năm lên ngôi, ngày 5 tháng 7 năm 1429, vua Lê Thái Tổ đã truyền ngay cho các đại thần văn võ trong ngoài họp bàn về phép dùng tiền.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Kỷ Dậu, [Thuận Thiên] năm thứ 2 [1429]… Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 5, ra lệnh cho các đại thần và các quan văn võ trong ngoài họp bàn về quy chế đồng tiền. (Quy chế đồng tiền, nguyên văn là “tiền pháp”).
Tờ chiếu viết: “Tiền là mạch máu của sinh dân, không thể không có. Nước ta vốn có mỏ đồng, nhưng tiền đồng cũ đã bị nhà Hồ hủy bỏ, trăm phần chỉ còn được một. Đến nay, việc quan, việc nước thường hay bị thiếu. Muốn cho tiền được lưu thông sử dụng, để thuận lòng dân, há chẳng khó sao?”
Vua Lê Thái Tông còn ra lệnh nghiêm cấm việc loại bỏ tiền đồng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Giáp Dần, Thiệu Bình năm thứ 1 [1434]… Ra lệnh chỉ cho kinh thành và các phủ, lộ, huyện, châu, xã, sách, thôn, trang rằng: Từ nay về sau, tiền đồng sứt mẻ nhưng còn xâu dây được thì phải lưu thông tiêu dùng, không được chê bỏ, nếu đã mẻ gãy không xâu dây được nữa thì thôi không tiêu. Người nào trái lệnh, từ chối không nhận, hay kén chọn tiền lành thì phải tội như nhau”. Việc đúc tiền giả sẽ bị nghiêm trị và cấm không được tiêu tiền giả.
Cùng với những việc trên, vua Lê tiếp tục thu hồi tiền giấy của triều Hồ còn lưu lạc trong dân gian nhằm thống nhất tiền tệ trên cả nước. Để chấm dứt tình trạng hỗn loạn trong lưu thông tiền tệ từ cuối triều Trần, nhà Lê đã ban định “Tệ chế luật lệ, dĩ thuận dân ý” (luật lệ về tiền tệ, thể theo ý dân).
Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), nền kinh tế hàng hóa của Đại Việt phát triển nhanh chóng, kim ngạch buôn bán nội - ngoại thương đều tăng. Vua Lê Thánh Tông còn quy định nộp tô thuế bằng hiện vật và tiền, ví như thuế ruộng dâu dùng tơ và tiền, làm cho kinh tế tiền tệ từng bước thâm nhập vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhà vua nghiêm cấm việc loại bỏ tiền đồng và rất coi trọng chất lượng của tiền tệ. Do vậy, triều đình, một mặt nắm giữ quyền đúc và phát hành tiền, mặt khác, mỗi năm đều đúc bổ sung cho lưu thông một lượng tiền nhất định. Điều này vừa giải quyết được nạn đúc tiền giả, vừa đảm bảo tính thống nhất về quy cách và chất lượng của đồng tiền.
Trải qua 10 đời vua thời Lê sơ đều cho đúc tiền. Tiền đẹp và hơn hẳn mọi mặt so với tiền đúc của các thời trước đó. Những đồng tiền thời kỳ này đạt đến mức tinh xảo, tiền đúc dầy, đẹp và khá quy chuẩn, biên tiền rõ ràng, chất liệu đồng tốt. Thư pháp thể hiện trên tiền Lê sơ gồm có hai giai đoạn, hoàn toàn khác biệt:
- Giai đoạn đầu, từ đầu niên hiệu Thuận Thiên đến năm Quang Thuận thứ 9 (1468), thư pháp vẫn được thể hiện dạng Chân thư, như các đồng Thuận Thiên nguyên bảo, Thiệu Bình thông bảo, Đại Bảo thông bảo, Đại Hòa thông bảo, Diên Ninh thông bảo, Thiên Hưng thông bảo.
- Giai đoạn thứ 2, năm Quang Thuận thứ 9 (1468) đến hết triều Lê sơ (1527): thư pháp trên tiền đổi sang kiểu chữ Hoa áp (chữ Khải của người Nam). “Đặc điểm chính của kiểu chữ này là nét ngang bằng, thẳng, giấu đầu che đuôi, các nét cuối thường có xu hướng hất lên trên (càng về giai đoạn sau, xu hướng này càng khoa trương). Nét chấm đều có hiện tượng lộ phong, xuất bút hoặc liên ti với một nét khác còn lại nếu có sự kết hợp, hoặc trong trường hợp ba chấm thủy thì các nét đều được liên kết với nhau. Lộ phong được dùng chủ yếu trong các nét móc câu, hoặc cuối các nét”.
Tiền triều Lê sơ đã thống nhất một loại tiền thông bảo từ đầu triều cho đến khi kết thúc (ngoại trừ tiền Thuận Thiên nguyên bảo của vua Lê Thái Tổ). Việc tiền triều Lê sơ được đúc ngày một nhiều đã thực hiện được vai trò chủ đạo, thống nhất tiền tệ trên cả nước và dần lấn át các loại tiền của các nước đồng văn lưu hành trên thị trường bấy giờ.
Tiền các đời vua triều Lê sơ
Tiền đời vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433)
Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi chính thức lên ngôi vua tại điện Kính Thiên, ở Đông Đô, đặt lại quốc hiệu là Đại Việt, đặt niên hiệu Thuận Thiên (1428 -1433). Đây là sự mở đầu một thời kỳ độc lập lâu dài nhất trong lịch sử nước ta. Một trong những chính sách nhằm ổn định tình hình đất nước sau chiến tranh được vua Lê Thái Tổ ban hành, đó là cho lập xưởng đúc tiền ở kinh đô và đúc tiền đồng Thuận Thiên nguyên bảo. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mậu Thân, Thuận Thiên năm 1 [1428]… Tháng 12…Đúc tiền Thuận Thiên nguyên bảo, cứ 50 đồng là 1 tiền” .
Tiền đúc bằng đồng. Mặt tiền đúc nổi 4 chữ “Thuận Thiên nguyên bảo”- 順天元寳 theo kiểu Chân thư. Khổ chữ nhỏ, rõ ràng. Nét chữ trên tiền có nhiều loại khác nhau như nét mảnh hoặc nét đậm, đặc biệt chữ “Nguyên”- 元 chân cao. Lưng tiền để trơn. Biên tiền trước và sau đều rộng và nổi rõ. Tiền khá dày. Kích thước tiền có sự khác nhau, do tiền được đúc nhiều đợt với nhiều khuôn mẫu. Đường kính 23,5-25,9mm, dày 1,5-1,9mm, nặng 3,4-5,4gr.

Ảnh 1. Tiền Thuận Thiên nguyên bảo 順天元寳, kiểu Chân thư, lưng tiền trơn, đường kính 23,5 - 25,9mm
Mặc dù chỉ ở ngôi có 6 năm, nhưng việc cho đúc tiền đồng Thuận Thiên nguyên bảo 順 天元寳 của vua Lê Thái Tổ đã góp phần ổn định xã hội và có ý nghĩa đặc biệt, đặt nền móng cho các đời vua sau tiếp tục phát triển tiền tệ của nước nhà.
Đón đọc Kỳ II: Tiền đời vua Lê Thái Tông (1434 - 1442)
Nguồn: Tác phẩm: ''Lịch sử đồng tiền Việt Nam'' của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Biên tập: Mạnh - Thắng | Đồ họa: Văn Lâm