Tiền tỷ đầu tư, hơn 30 hộ dân vẫn sống cảnh 'có điện mà như không'
Dự án cấp điện đã được triển khai từ lâu, thế nhưng đến nay, hơn 30 hộ dân ở tổ Gò Rạch và Kà La (thuộc thôn Làng Teng, xã Ba Thành cũ, nay là xã Ba Động, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn phải sống trong cảnh điện chập chờn, 'có cũng như không'.
Chỉ tay vào chiếc tivi treo trên tường, bà Phạm Thị Gam (tổ Gò Rạch, thôn Làng Teng) ngán ngẩm: “Tôi mua cái tivi này gần 5 triệu đồng, đã 3 lần bị hư hỏng. 2 lần đầu mang đi sửa tốn gần bằng tiền mua mới, sửa lần thứ ba chỉ sử dụng được ít ngày lại hỏng tiếp, giờ tôi không sửa nữa. Thợ bảo có sửa cũng sẽ bị hỏng vì điện yếu và không ổn định”.

Chiếc ti vi đã cháy 3 lần của bà Phạm Thị Gam.
Không chỉ tivi, mà cả nồi cơm điện, quạt điện trong gia đình bà Gam cũng gần như vô dụng, hoặc chạy rất phập phù.
“Muốn nấu cơm bằng điện phải nấu từ 3 giờ chiều, nhưng nhiều khi nấu mãi không chín vì điện quá yếu. Thành ra bây giờ tôi toàn phải nấu bếp củi. Quạt điện cũng chọn loại ít tiêu hao nhất, thế mà quay không nổi” – bà Gam lắc đầu thở dài.

Nồi cơm điện để không vì chẳng thể nấu chín được cơm.
Những năm gần đây, nhờ sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân, diện mạo nông thôn mới ở xã vùng cao này đã thay đổi rõ rệt, đường sá thuận lợi, nhà cửa khang trang. Thế nhưng, riêng với người dân Gò Rạch, bài toán “thiếu điện” vẫn chưa có lời giải.
Đoạn đường từ trụ điện chính vào nhà các hộ dân ở tổ Gò Rạch chỉ dài 1,2 – 1,5 km, nhưng có đến hàng chục dây điện do bà con tự kéo tạm bợ, vắt qua rừng keo bằng cây tre, cây gỗ. Những dây điện này được đấu nối sơ sài, chằng chịt; nhiều sợi đã bạc màu, mòn vì mưa nắng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn.

Đường dây dẫn đấu nối sơ sài, sà thấp sạt mặt đất.
Người dân cho biết, trước đây để có điện, họ phải tự “dẫn” điện từ rất xa về, chi phí không hề nhỏ. Thế nhưng nguồn điện tự kéo ấy vừa hao hụt nhiều, vừa yếu, không đáp ứng đủ nhu cầu, lại đầy rủi ro.
“Nhiều năm trước tôi đã mua dây, dựng trụ rồi thuê người kéo điện từ nhà người quen về. Lúc đó phải mua hết 1,3 km dây điện, tổng chi phí thiết bị và nhân công tốn 12 triệu đồng. Đường dây ấy dùng đến giờ, mùa nắng mỗi tháng tiền điện khoảng 400.000 – 500.000 đồng, nhưng đến cái mô-tơ bơm nước cũng không chạy nổi” – ông Phạm Văn Sơn ngao ngán.

Ông Phạm Văn Sơn tốn cả chục triệu đồng để dẫn điện về nhưng điện vẫn quá yếu, không đảm bảo vận hành các thiết bị.
Đáng nói, để giải quyết nhu cầu sử dụng điện của bà con, chính quyền địa phương đã đầu tư công trình cấp điện sinh hoạt cho tổ Gò Rạch và Kà La với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thế nhưng, dù dự án được triển khai từ 2021-2023, đến nay hơn 30 hộ dân ở hai khu vực trên vẫn phải tiếp tục dùng nguồn điện tự kéo, vừa yếu vừa thiếu. Điện không ổn định khiến cả trạm phát sóng tại đây cũng không thể hoạt động, điện thoại di động, vật dụng thiết yếu của đời sống hiện đại, nhiều khi chỉ còn là “cục gạch”.
“Ở Gò Rạch hầu như không có sóng điện thoại, muốn liên lạc, thông tin vấn đề gì phải đến tận nhà. Ban ngày ti vi bật còn không lên. Những ngày nắng nóng cao điểm, ban đêm không ngủ nổi vì quạt không chạy nổi” – ông Phạm Văn Tro chia sẻ.

Ti vi nhà ông Phạm Văn Tro chẳng thể nào hoạt động dù không phải giờ cao điểm.
Trưởng thôn Làng Teng Phạm Văn Lam cho biết: cả 2 tổ Gò Rạch và Kà La đều đã có trụ và đường dây điện nhưng vẫn chưa được đóng điện, nên bà con vẫn phải tự kéo điện từ xa về dùng.
“Cơ quan chức năng giải thích là do còn vướng mắc trong công tác bồi thường nên chưa thể đấu nối. Vì vậy bà con lâu nay vẫn phải chịu cảnh điện quá yếu, gần như không thể sử dụng các thiết bị điện. Người dân ở 2 tổ này chỉ mong dự án sớm được đưa vào sử dụng để đời sống, sản xuất thuận lợi hơn” – ông Lam nói.

Tổ Gò Rạch nhìn từ trên cao.
Theo Chủ tịch UBND xã Ba Động Nguyễn Văn Sinh, qua nắm bắt tình hình cho thấy thực trạng này vốn đã tồn tại từ khi khu vực còn thuộc xã Ba Thành cũ. Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, khu vực này được nhập về xã Ba Động.
“Tôi sẽ sớm làm việc với các đơn vị liên quan, khẩn trương cung cấp hồ sơ và báo cáo rõ thực trạng, nguyên nhân chưa đóng điện để kịp thời tháo gỡ, hoàn thành dự án, phục vụ nhu cầu của bà con” – ông Sinh khẳng định.