Tiếng thơ nhà giáo xứ Tuyên

Sau những giờ giảng miệt mài trên lớp, trở về nhà bên trang giáo án đơn sơ, các thầy cô giáo lại trải lòng mình cùng những câu thơ. Đó là tâm sự về nghề, cảm nhận cuộc sống, tình yêu quê hương, đất nước.

Điểm mặt tên tuổi những nhà giáo, nhà thơ, độc giả Tuyên Quang nhớ đến những cái tên quen thuộc như: Nguyễn Đình Kiền, Trần Huy, Nguyễn Bình, Phạm Văn Vui, Nguyễn Thanh Lương, Bùi Thị Mai Anh, Xuân Bạch, Hồng Hà... Nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả như: “Dòng sông nơi Bác làm thơ” của Nguyễn Bình, “Niềm tin ngộ nghĩnh” của Nguyễn Đình Kiền, “Thu” của Bùi Thị Mai Anh...

Nhà thơ Nguyễn Bình sinh năm 1943, là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Độc giả biết đến ông qua tập thơ “Vầng trăng nơi em”, “Gió làng” và nhiều tác phẩm đăng trên Báo Tân Trào, Báo Văn nghệ, Báo Tuyên Quang... Từng là giảng viên môn Triết học tại Trường Đại học Tân Trào, sau đó về công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Thơ Nguyễn Bình dễ đi vào lòng người bởi chất giọng nhẹ nhàng. Ông tâm sự về nghề: “Bàn tay thầy giáo chúng tôi/Tháng năm dày trang giáo án/Tháng năm ươm mầm cuộc sống/Mai thành rừng hoa cuộc đời”.

Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Bình, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cùng các cô tròtrường THCS Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đọc thơ viết về ngày 20-11.

Đây là khổ thơ được trích trong bài “Người trồng hoa cuộc đời”. Bài thơ giản dị mộc mạc tựa như lời kể chuyện thầm thì. Phút giây tự sự về nghề, Nguyễn Bình trải lòng: “Người giáo viên sớm khuya bên trang giáo án, tìm tòi những lời giảng hay truyền đạt cho học trò. Công việc bình lặng nhẹ nhàng tựa như người ươm mầm cuộc đời”.

Kỷ niệm mến thương một thời học trò nghịch dại, với giọng thơ vui tươi câu chuyện cô giáo Trần Kim Cúc (Hàm Yên), hiện là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Yên kể thật dễ thương, ngộ nghĩnh: “Một chiếc tàu bay giấy/Tuổi nghịch ngợm học trò/... Một bàn run nhong nhóc/Mấy thằng liếc nhìn nhau... Phen này thoát đi đâu” (Tàu bay giấy).

Không chỉ có những cảm xúc sân trường, bên trang giáo án, các thầy cô giáo còn trải lòng mình trước cuộc sống, cảm nhận cảnh sắc quê hương đất nước. Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người trên mảnh đất Hàm Yên, nhà giáo Phạm Văn Vui còn là hội viên của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Đến với đề tài thiên nhiên, bài thơ “Động Tiên” để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Với tứ thơ lạ, ý thơ hay, tác giả đã giới thiệu cho người đọc thấy được vẻ đẹp huyền ảo, sinh động cùng gốc tích của danh thắng giữa đại ngàn núi rừng thu hút bước chân du khách. Đến thăm Động Tiên, theo từng bậc đá cao dần, du khách lần lượt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hấp dẫn của bức tranh thiên nhiên. Nơi đó có những quần thể núi đá, hang động kỳ thú, những câu chuyện kể, những truyền thuyết dân gian: “Trời cao chỉ một tầm tay/Nơi kia chốn tục, xứ này bồng lai/Cỏ thơm lưu giữ dấu hài/Xiêm y thấp thoáng bóng ai đi về”.

Sinh năm 1949, Trần Xuân Việt từng là Hiệu trưởng trường THCS Sơn Nam (Sơn Dương) gửi đến độc giả nhiều bài thơ hay như: “Vầng trăng Tân Trào”, “Trầu cau”, “Quê chung”, “Dáng quê”...a Người yêu thơ ấn tượng với tác phẩm “Mùa gặt” qua hai hình tượng nghệ thuật độc đáo “bông lúa hình vòng cung” và “lưng mẹ”. Bài thơ được viết theo thể 5 chữ, lời thơ giản dị chất chứa nhiều xúc cảm. Đó là lời tự sự chân thành của người con trước sự vất vả lam lũ của người mẹ. “Bông lúa hình vòng cung” gợi đến hình ảnh của mùa màng bội thu, cánh đồng vàng thắng lợi. Hòa vào niềm vui của nông dân, tác giả lại lặng lẽ nghĩ đến sự vất vả của người mẹ mỗi khi mùa gặt về: “Bông lúa hình vòng cung/Giống như hình lưng mẹ/Địu em từ tấm bé/Địu gùi mẹ lên nương...”.

Thơ của các nhà giáo chất chứa nhiều cảm xúc, đó là sự sẻ chia, cảm nhận trước cuộc sống. Những lời thơ tựa như tiếng lòng ấm áp mà các nhà giáo, nhà thơ muốn gửi tới độc giả.

Bài, ảnh: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tieng-tho-nha-giao-xu-tuyen-125126.html