Tiếp diễn phá rừng giáp ranh giữa Bắc Bình với Lâm Đồng

Rừng giáp ranh giữa Bắc Bình với huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đến nay vẫn là một trong những điểm nóng về tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tại đây, nạn phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép diễn ra phức tạp, có vụ gây thiệt hại nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự…

Tiếp diễn phá rừng giáp ranh giữ

 Hiện trường một vụ phá rừng trái phép ở vùng giáp ranh Bắc Bình với Đức Trọng. (Ảnh tư liệu).

Hiện trường một vụ phá rừng trái phép ở vùng giáp ranh Bắc Bình với Đức Trọng. (Ảnh tư liệu).

Xác định rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng là nơi thường diễn ra hoạt động khai thác lâm sản trái phép, do đó tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Trên cơ sở đó, các lực lượng của tỉnh đã tăng cường phối hợp kiểm tra, tuần tra, truy quét nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ rừng của huyện Bắc Bình cũng tổ chức hơn 210 đợt truy quét, kết hợp tăng cường kiểm tra các tụ điểm khai thác, cất giấu, các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép. Trong đó, tập trung ở những khu vực trọng điểm và vùng giáp ranh thuộc địa bàn xã: Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến trên lâm phần các Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Cà Giây, Sông Mao, Sông Lũy. Qua tuần tra, truy quét, lực lượng chức năng đã phát hiện 9 vụ vi phạm (so cùng kỳ giảm 15 vụ). Đồng thời tiến hành nhổ bỏ hơn 6 ha cây trồng trái phép tại tiểu khu 60 thuộc lâm phần Ban QLRPH Cà Giây; đẩy đuổi hàng chục lượt xe máy hoán cải, xe máy cày, xe máy đào.

Đối với các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện qua tuần tra, truy quét, hiện Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình đã ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền trên 220 triệu đồng, tịch thu nhiều tang vật liên quan. Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình cho biết, ngoài xử lý hành chính, đơn vị còn phối hợp Viện Kiểm sát, Công an huyện xem xét, xử lý hình sự các vụ phá rừng trái phép xảy ra những năm trước vì gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng. Kết quả, đến thời điểm này đã khởi tố 2 vụ phá rừng trái phép. Đó là vụ phá rừng tại tiểu khu 57, 58 với diện tích 3,6 ha trên lâm phần quản lý của Ban QLRPH Sông Lũy và vụ phá rừng tại tiểu khu 63 với diện tích hơn 1,4 ha thuộc lâm phần quản lý của Ban QLRPH Sông Mao.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở vùng giáp ranh giữa Bắc Bình với Đức Trọng hiện có xu hướng dịch chuyển, từ khu vực giáp ranh thuộc Ban QLRPH Sông Lũy sang khu vực giáp ranh thuộc Ban QLRPH Cà Giây và Sông Mao. Đáng lưu ý, thường diễn ra ở khu vực Đồi Chè, Trường Bắn, Dốc Dài, đồi Gió Hú, Cha Răng Hao, Ka Long Bong, đường Ma Am… Tại những địa điểm trên, lực lượng bảo vệ rừng vùng giáp ranh liên tục phát hiện nhiều người điều khiển xe độ chế, mang theo dụng cụ chuẩn bị vào rừng khai thác, vận chuyển lâm sản. Trên thực tế, qua kiểm tra hiện trường rừng tại lâm phần Ban QLRPH Cà Giây (thuộc địa giới hành chính xã Phan Lâm), chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, kiểm lâm phát hiện tại đây đã để xảy ra 18 vụ khai thác rừng trái phép với trữ lượng thiệt hại 88,8 m3/184 cây. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp tục kiểm tra, xác lập hồ sơ để xử lý theo quy định, trong 18 vụ này có 1 vụ vi phạm nghiêm trọng phải xem xét xử lý hình sự.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình, để xảy ra phá rừng có nhiều nguyên nhân. Bên cạnh những khó khăn và điều kiện khách quan, hiện vẫn còn một số chủ rừng chưa làm tốt trách nhiệm thường xuyên bám rừng. Hơn nữa, công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng với các lực lượng bảo vệ rừng của huyện Đức Trọng còn hình thức, hiệu quả thấp. Do vậy, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn ngoài việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng theo đề nghị của chủ rừng, phải tổ chức kiểm tra rừng ngẫu nhiên, đồng thời tham mưu UBND xã quản lý chặt chẽ diện tích rừng trên địa bàn. Yêu cầu kiểm lâm địa bàn kịp thời đề xuất xử lý nếu chủ rừng để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nhưng không phát hiện, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Hạt cũng đề nghị UBND huyện Bắc Bình làm việc với UBND huyện Đức Trọng có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm xe công nông, xe cơ giới tự chế, xe hết niên hạn sử dụng vào rừng. Bởi nếu quản lý chặt các phương tiện trên, sẽ có tác dụng ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm nhập vào rừng ở Bắc Bình từ huyện Đức Trọng để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

LÊ PHÚC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/tiep-dien-pha-rung-giap-ranh-giua-bac-binh-voi-lam-dong-127292.html