Tiếp lửa truyền thống từ những 'địa chỉ đỏ' cách mạng

Không chỉ là minh chứng cho các phong trào yêu nước, những di tích cách mạng kháng chiến tại Hà Nội trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 được lưu giữ đến ngày nay còn được tự hào gọi là những 'địa chỉ đỏ' về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng.

Cách mạng tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, là bước ngoặt vĩ đại nhất, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng với cả nước, Hà Nội trong những ngày tháng Tám năm 1945 cũng sôi sục không khí nổi dậy, các tầng lớp nhân dân hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, tuyên truyền cho Việt Minh, thành lập các đội tự vệ chiến đấu để hoàn toàn giành quyền làm chủ thành phố của mình.

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn bản “Tuyên ngôn Độc lập”. Ảnh P.Ngân

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn bản “Tuyên ngôn Độc lập”. Ảnh P.Ngân

Gần một thế kỷ trôi qua, biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, những dấu son chói lọi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị. Với những người trẻ chưa từng trải qua chiến tranh như chúng tôi luôn mang khao khát được tìm hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc. Theo “dấu chân” của lịch sử, chúng tôi tìm đến những di tích cách mạng kháng chiến tại Hà Nội, nơi ghi dấu ấn mà thế hệ ông, cha đã chiến đấu can trường để giành độc lập cho dân tộc, cho thế hệ mai sau.

Bắt đầu với ngôi nhà số 42 nằm trên con phố nhỏ Hàng Thiếc (quận Hoàn Kiếm), chúng tôi dễ dàng nhận ra căn nhà nổi bật với tấm biển đá đỏ, gắn ngay ngắn, trang trọng trước cửa. Trên đó ghi dòng chữ vàng “Ngôi nhà 42 Hàng Thiếc là nơi ở và làm việc của đồng chí Đỗ Ngọc Du - Bí thư Thành ủy lâm thời từ giữa tháng 3/1930 đến cuối tháng 4/1930”. Đây cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của Đảng bộ Hà Nội vào ngày 17/3/1930. Cách đó không xa là ngôi nhà số 177 Hàng Bông, nơi thành lập Ban Chấp hành chính thức của Đảng bộ thành phố Hà Nội vào tháng 6/1930. Sự kiện này có ý nghĩa trọng đại, thể hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng Thủ đô, đánh dấu một thời kỳ đấu tranh mới của Hà Nội dưới sự dẫn dắt trực tiếp của Đảng Cộng sản, tiến tới ngày nhân dân Thủ đô nổi dậy giành chính quyền.

Dòng lịch sử cách mạng kháng chiến tiếp tục dẫn dắt chúng tôi đến với nhiều “địa chỉ đỏ” khác trên “bản đồ yêu nước” của Thủ đô Hà Nội. Trong cao trào tiến tới tổng khởi nghĩa, ngôi nhà số 101 Trần Hưng Đạo (trước đây là 101 Đại lộ Gambetta) đã ghi dấu ấn khi Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp phiên đầu tiên ngay sau khi Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra “Quân lệnh số I” hạ lệnh tổng khởi nghĩa ngày 14-15/8/1945.

Nằm giữa con phố đông đúc người qua lại, hiện nay căn nhà số 101 Trần Hưng Đạo trở thành Viện khoa học giáo dục Việt Nam. Trước sự phát triển nhanh, mạnh của Thủ đô, cảnh vật xung quanh căn nhà nay đã có nhiều đổi khác so với trước đây. Con phố trở nên sầm uất hơn, những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát nhưng ngôi nhà số 101 vẫn mang một nét cổ kính, trầm mặc giữa cuộc sống bộn bề, đông đúc.

Ngôi nhà số 101 Trần Hưng Đạo (trước đây là 101 Đại lộ Gambetta) đã ghi dấu ấn khi Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp phiên đầu tiên. Ảnh P.Ngân

Ngôi nhà số 101 Trần Hưng Đạo (trước đây là 101 Đại lộ Gambetta) đã ghi dấu ấn khi Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp phiên đầu tiên. Ảnh P.Ngân

Theo nhiều tài liệu ghi lại, sáng 16/8/1945 tại nhà 101 phố Gambetta, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã đưa ra nhiều phương án xúc tiến việc chuẩn bị khởi nghĩa. Từ cuộc họp, kế hoạch tổ chức những cuộc biểu tình quần chúng, tăng cường lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, phát triển các đội tự vệ chiến đấu… đã được ráo riết thực hiện. Những cuộc mít tinh và diễn thuyết xung quanh đã diễn ra liên tiếp ở nội và ngoại thành.

Cùng với hoạt động sôi nổi ở trung tâm thành phố, tại Làng Vạn Phúc (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) nơi được gọi “An toàn khu của xứ ủy Bắc kỳ” cũng là nơi rạo rực không khí chuẩn bị khởi nghĩa. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Vạn Phúc đã được chọn làm An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ. Trong những ngày cao trào cách mạng, tối 17/8/1945, Xứ ủy Bắc kỳ đã họp khẩn cấp tại Vạn Phúc, quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội.

Quyết định phát đi từ Làng Vạn Phúc ra toàn thành phố, như một tia lửa nhen lên từ cánh đồng cỏ khô, ngọn lửa cách mạng bùng cháy, cả Hà Nội bừng bừng khí thế đấu tranh. Việc Hà Nội giành được chính quyền ngày 19/8 đánh dấu cao trào Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Sau chiến thắng ở Hà Nội, phong trào tiếp tục lan rộng ra các tỉnh. Đến 28/8/1945, chính quyền trong cả nước hoàn toàn về tay nhân dân. Năm xưa với nhiệm vụ là “An toàn khu của xứ ủy Bắc kỳ” Vạn Phúc đã làm tròn nhiệm vụ. Đến nay ngôi làng vẫn giữ được khung cảnh của làng quê cách mạng, vẫn vẹn nguyên với cây đa, mái đình, người dân giàu lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết luôn tin tưởng, gắn bó với cách mạng.

Một trong những “địa chỉ đỏ” tiêu biểu khác của cuộc Cách mạng tháng Tám đã đi sâu vào tâm thức của hàng triệu người dân Việt Nam đó là căn nhà số 48 Hàng Ngang. Ngôi nhà thuộc sở hữu của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Trong những ngày từ 25/8/1945 đến ngày 2/9/1945, ngôi nhà này là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại đây đã diễn ra cuộc họp thành lập Chính phủ lâm thời, là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu Người trở về Hà Nội và cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc. Đặc biệt, trong căn phòng ở tầng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn bản “Tuyên ngôn Độc lập” để ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình đầy nắng và gió, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” trước 50 vạn nhân dân Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những kỷ vật tại số 48 Hàng Ngang.

Những kỷ vật tại số 48 Hàng Ngang.

Ngày nay, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn nguyên vẹn, những nét xưa cũ vẫn còn đó. Tầng một của ngôi nhà trưng bày những tư liệu theo chủ đề. Tầng hai gây ấn tượng với bộ bàn ghế sofa mềm mại, những bức rèm lụa trắng bên ô cửa nhỏ, bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, góc làm việc… của Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành những kỷ vật quý giá của lịch sử. Nhiều năm qua, di tích lịch sử này luôn nhộn nhịp học sinh, sinh viên, khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu, ôn lại truyền thống vẻ vang.

Là một trong những thế hệ thanh niên ngày nay đến tham quan ngôi nhà, chị Đặng Thị Vân Anh (quận Hà Đông) xúc động: “Trải qua thời gian dài như vậy mà ngôi nhà còn được lưu giữ khiến tôi cảm thấy rất xúc động. Những tư liệu, kỷ vật gắn liền với Bác được trưng bày trong căn nhà như “nhân chứng sống” giúp tôi hiểu về lịch sử nước nhà, giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước. Từ đó nâng cao trách nhiệm của bản thân đối với đất nước”.

75 năm đã trôi qua, Thủ đô đang thay đổi, chuyển mình và phát triển từng ngày, nhưng những “địa chỉ đỏ” vẫn còn nguyên vẹn giá trị ở đó. Không chỉ góp phần quan trọng làm nên một thiên anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ 20, nơi đây vẫn luôn lưu giữ ký ức hào hùng của một thời hoa lửa. Qua đó tiếp tục khơi dậy, lan tỏa tinh thần yêu nước kiên cường, tiếp lửa truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.

P. Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tiep-lua-truyen-thong-tu-nhung-dia-chi-do-cach-mang-112401.html