Tiếp tục quan tâm công tác trồng và bảo vệ rừng

Sau 5 năm thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế lâm nghiệp của tỉnh chuyển đổi từ khai thác tài nguyên rừng sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, kinh doanh lâm nghiệp toàn diện, phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng, sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết quả sản xuất lâm nghiệp đã đưa Quảng Trị trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về trồng rừng có chứng chỉ và là tỉnh có độ che phủ rừng cao. Để phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục phát triển lâm nghiệp bền vững, tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 12/5/2021 về Dự án Trồng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

 Khai thác rừng trồng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ - Ảnh: T.C.L

Khai thác rừng trồng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ - Ảnh: T.C.L

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã trồng được hơn 23.620 ha rừng các loại, nâng tổng diện tích rừng hiện có của tỉnh lên hơn 253.465 ha, trong đó rừng tự nhiên 142.829,6 ha; rừng trồng phòng hộ 22.531,3 ha; rừng trồng đặc dụng 2.073,3 ha; rừng trồng sản xuất 76.408,7 ha, độ che phủ rừng đến cuối năm 2020 đạt 50,1%. Những năm gần đây, bình quân tăng trưởng ngành lâm nghiệp của tỉnh đạt khoảng 8 - 10%/năm. Giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp chiếm khoảng 18 - 20% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và đóng góp vào GRDP hằng năm của tỉnh từ 5 - 7%; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 10 - 20 triệu đồng/ha/năm; mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động làm nghề rừng. Hiện nay, Quảng Trị là một trong những tỉnh có diện tích rừng trồng làm nguyên liệu tăng nhanh và công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển khá, trung bình mỗi năm cung cấp gần 1 triệu tấn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ.

Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp trồng, bảo vệ và phát triển rừng đã không chỉ làm tăng nhanh diện tích các loại rừng của tỉnh mà còn nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết: “Những năm qua, nhờ phát triển lâm nghiệp bền vững đã đưa lại hiệu quả nhiều mặt. Các nhà máy chế biến lâm sản được đảm bảo nguồn nguyên liệu; người dân có việc làm, tăng thu nhập, có trách nhiệm hơn với rừng, sống dựa vào rừng để bảo vệ rừng. Môi trường sinh thái cũng nhờ rừng mà được cải thiện đáng kể...”.

Đến nay, phần nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng của tỉnh được giao khoán bảo vệ, khoán khoanh nuôi tái sinh cho hộ dân, cộng đồng dân cư sống gần rừng để người dân có thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, gắn trách nhiệm của người dân sống gần rừng với việc giữ rừng. Nhờ đó, rừng được bảo vệ tốt hơn, nhiều diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt được phục hồi, các vụ vi phạm lâm luật hằng năm giảm đáng kể.

Dự án Trồng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021- 2025 sẽ tập trung đầu tư toàn diện cho phát triển kinh tế lâm nghiệp như: Đầu tư và hỗ trợ đầu tư các công trình lâm sinh góp phần duy trì ổn định độ che phủ rừng đến năm 2025 là 50%; tiếp tục chăm sóc, đảm bảo chất lượng, tiêu chí rừng phòng hộ, đặc dụng diện tích các loại rừng này đã trồng trong giai đoạn 2016 - 2020; nâng cấp, làm giàu rừng trồng phòng hộ; rừng tự nhiên nhằm nâng cao chất lượng rừng, phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường trên địa bàn. Dự án cũng hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn (theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ) có chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả rừng trồng, góp phần cung cấp gỗ nguyên liệu chất lượng cao cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh và khu vực; hỗ trợ xây dựng các công trình đường lâm nghiệp, đường ranh cản lửa; nâng cấp đường ranh cản lửa phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, giảm các chi phí cho trồng rừng gỗ lớn.

Bắt đầu từ năm 2022, dự án sẽ triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh với các nhiệm vụ chính là trồng mới, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi phát triển rừng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, tăng nhanh sinh khối rừng tự nhiên. Từ năm 2022 - 2025, dự án tập trung đầu tư chăm sóc 640 lượt héc ta rừng trồng phòng hộ, đặc dụng; chăm sóc nâng cấp 785 lượt héc ta rừng trồng phòng hộ; nâng cấp 650 ha rừng trồng phòng hộ; làm giàu 650 ha rừng tự nhiên; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn 1.000 ha. Tổng mức đầu tư của dự án là 64,42 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương: 60 tỉ đồng, vốn tự có của các đơn vị hưởng lợi 4,42 tỉ đồng.

Nghị quyết số 22/NQ- HĐND ngày 12/5/2021 của HĐND tỉnh khóa VII là chính sách đúng đắn, thiết thực góp phần thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển. Chính sách này sẽ phát huy hiệu quả cao nếu cùng thực thi đồng bộ với các chính sách khuyến khích hỗ trợ các nhà đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp; chính sách ưu đãi về vốn vay, cho thuê đất, bảo hiểm rừng trồng…, góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158229&title=tiep-tuc-quan-tam-cong-tac-trong-va-bao-ve-rung