Tiết kiệm điện phải trở thành thói quen

Đại diện Bộ Công thương cho biết, để thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm trong thời gian tới, một trong những công tác trọng tâm là thanh tra, kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp tạo lập thói quen sử dung điện tiết kiệm.

Thị trường thiết bị điện chuyển dịch tích cực

Tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), một trong những nhóm giải pháp trọng tâm được đưa ra để thực hiện hiệu quả quy hoạch là sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Trước đó, từ năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015 và tiếp tục thực hiện đến năm 2030. Tại tọa đàm “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng” do Tạp chí Công thương tổ chức sáng 20.5, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, Bộ đã tổ chức rất nhiều hoạt động để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng.

Cụ thể, Bộ đã liên tục rà soát, xây dựng kịp thời các quy định, quy chuẩn và tham mưu cho các cấp xây dựng, ban hành các cơ chế để thúc đẩy, khuyến khích sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về tiết kiệm điện thông qua Chiến dịch Giờ Trái đất; tổ chức các cuộc thi về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp…

Kết quả thu được không chỉ là tiết kiệm hàng triệu kWh điện, mà đáng chú ý là đã thúc đẩy việc chuyển dịch thị trường tiêu thụ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng từ hiệu suất thấp lên thiết bị có hiệu suất cao hơn với tốc độ tương đối tốt so với các nước xung quanh. Chẳng hạn, máy điều hòa không khí công nghệ Inverter hiện chiếm khoảng 50% trong tổng tiêu thụ; các thiết bị chiếu sáng cơ bản đã chuyển sang sử dụng đèn Led. Thủ tướng cũng đã quyết định cấm sản xuất và nhập khẩu bóng đèn sợi đốt trên 60W…

Sẽ kiểm tra cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm

Năm 2023 dự báo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu và khí đốt tăng mạnh. Cùng với đó, thời tiết đang diễn biến cực đoan trong một năm có hiện tượng El Nino diễn ra mạnh như năm 2023 cũng đang đặt ra áp lực lớn đối với nguồn cung năng lượng tại Việt Nam vốn đã thiếu hụt do kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Trong bối cảnh đó, theo ông Trịnh Quốc Vũ, cùng với nỗ lực bảo đảm cung ứng đủ các nguồn năng lượng thì các giải pháp sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng một vai trò rất quan trọng.

Một trong những công tác trọng tâm, ưu tiên được Bộ Công thương thực hiện trong ngắn hạn là thanh tra, kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Bộ cũng sẽ ưu tiên đi làm việc và kiểm tra các Sở Công thương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước để thi hành các quy định về tiết kiệm điện; kịp thời hướng dẫn, nhân rộng cách làm hay.

Đặc biệt, Bộ Công thương cũng vừa có Tờ trình Thủ tướng, kiến nghị ban hành một Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện cho giai đoạn từ nay đến năm 2025 với những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn. “Trong tất cả các chương trình này, UBND cấp tỉnh và các Sở Công thương đóng một vai trò hết sức quan trọng”, ông Vũ nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu tiết kiệm 1,7 - 2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trong năm nay; 65% doanh nghiệp phụ tải trọng điểm cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ mà ngành điện đã xây dựng… Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã tập trung nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động, thực hiện ký cam kết, hỗ trợ các cơ sở trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng.

Tuy nhiên, ông Thắng xác nhận, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, người dân vẫn chưa tạo thành thói quen tiết kiệm điện; đặc biệt, việc chuyển đổi sang máy móc công nghệ tiên tiến không thể một sớm một chiều. Do đó, rất cần Nhà nước có cơ chế đồng hành với doanh nghiệp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này. Cùng với đó, có cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển điện mặt trời áp mái.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lý Thị Phương Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Daikin Việt Nam, cho biết hiện doanh nghiệp đã ứng dụng những công nghệ hàng đầu về tiết kiệm điện trong sản xuất như sử dụng toàn bộ đèn Led,triển khai năng lượng mặt trời và hòa lưới điện trong tháng 5 này. Sản phẩm điều hòa không khí của doanh nghiệp cũng luôn đi đầu về tiết kiệm điện. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục thúc đẩy sử dụng sản phẩm điều hòa không khí loại biến tần nhiều hơn, mục tiêu 5 năm tới toàn bộ thị trường Việt Nam là máy inverter. Cùng với đó, triển khai giải pháp hỗ trợ người dùng vệ sinh máy kịp thời để không suy giảm hiệu suất năng lượng.

Nhấn mạnh tiết kiệm điện phải trở thành thói quen, bà Trang đề xuất, cần đưa vào chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Khi đã thành thói quen của mỗi người dân, việc tiết kiệm điện sẽ mang lại những kết quả thực chất hơn.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tiet-kiem-dien-phai-tro-thanh-thoi-quen-i329522/