Tiêu dùng thông minh - 'Lá chắn' hàng giả, hàng kém chất lượng

Trong bối cảnh thị trường ngày càng mở rộng, với sự đa dạng của hàng hóa và dịch vụ, người tiêu dùng không chỉ đóng vai trò là khách hàng mà còn là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội đã đạt nhiều kết quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội đã đạt nhiều kết quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Ma trận hàng giả, hàng nhái

Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội đã đạt nhiều kết quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, xử lý kịp thời nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa, thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng giả; kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả thương hiệu nổi tiếng... Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng bị phát hiện và xử lý đã tạo hiệu ứng xã hội, được dư luận ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, mua sắm trực tuyến mang lại nhiều tiện ích, nhưng sau sự hào nhoáng và tiện lợi đó lại là một thực tế đáng báo động.

Một “ma trận” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang len lỏi vào từng ngóc ngách của thị trường, từ thành thị đến nông thôn, từ cửa hàng vật lý đến không gian mạng. Trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), nhiều đối tượng đang lợi dụng tên tuổi các thương hiệu lớn để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái.

Ông Dương Mạnh Hùng - Phó Chi cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nhấn mạnh: “Hàng giả, hàng nhái hiện nay rất tinh vi, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử. Các đối tượng thường là mắt xích trong đường dây nhưng lại ẩn mình dưới một lớp vỏ bọc nào đó, hoạt động ở các khu vực ngoại ô, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý”.

Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm.

Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm.

Ông Hoàng Thế Nhu - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 cho biết, doanh nghiệp từng phát hiện hàng loạt trường hợp mạo danh như: “May 10 Hà Nội”, “Tổng kho May 10 xả hàng xuất khẩu”, “May 10 HN xả vest tồn kho giá gốc”… Thậm chí, có đối tượng làm giả cả con dấu công ty và mạo danh lãnh đạo doanh nghiệp đến làm việc với chính quyền cấp xã. Điều này gây thiệt hại không nhỏ đến hình ảnh, uy tín của thương hiệu.

“Để làm ra một bộ vest đúng chuẩn cần rất nhiều công sức, từ khâu thiết kế đến may đo. Nhưng chỉ một sản phẩm giả trôi nổi cũng đủ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về chất lượng thật của May 10”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý tại Tọa đàm trực tuyến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chủ đề: “Nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, việc trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một người tiêu dùng thông thái không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần xây dựng một thị trường minh bạch, lành mạnh và công bằng. Tọa đàm do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức sáng 25/7.

Không chỉ gây tổn thất kinh tế, hàng giả - hàng nhái còn làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực xây dựng thương hiệu Việt. Đại diện lực lượng chức năng kêu gọi chính quyền cơ sở và người dân cùng vào cuộc, nâng cao trách nhiệm tuyên truyền, giám sát, và phát huy tinh thần “Người Việt dùng hàng Việt”.

Đáng quan tâm nhất, trong bối cảnh hàng giả hàng nhái tràn lan, người tiêu dùng lại đang khá dễ dãi trong việc mua sắm. Tâm lý “sính” hàng hiệu giá rẻ đang là một trong những nguyên nhân quan trọng tiếp tay cho hàng giả lộng hành.

Trên nhiều tuyến phố kinh doanh, không khó để bắt gặp các sản phẩm túi xách, giày dép, mỹ phẩm mang mác “hàng hiệu” nhưng có giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Không ít người tiêu dùng dù nghi ngờ vẫn quyết định mua, chỉ vì “giống hàng thật”, “mẫu mã đẹp”.

Rất ít người tiêu dùng kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc sản phẩm, hóa đơn chứng từ, hoặc ngại khiếu nại, dẫn đến tiếp tay cho hành vi vi phạm mà không nhận ra. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện là hàng giả khi sử dụng gặp tác dụng phụ, nhưng cũng đành bỏ qua vì “mua rẻ nên không đáng phàn nàn”.

Phó Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng nêu rõ, người tiêu dùng có một đặc quyền rất lớn, đó là không mua nếu nghi ngờ là hàng giả. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người lại chọn sự dễ dãi, ngại xác minh, ngại phản hồi. Chính điều này khiến hàng giả có điều kiện tồn tại và phát triển. Thực tế này phản ánh một nghịch lý đáng buồn, hàng giả không chỉ xuất phát từ hành vi vi phạm của người bán, mà còn được “nuôi sống” bởi chính thói quen dễ dãi của người mua.

Người tiêu dùng là “tuyến phòng vệ” quan trọng

Trong bối cảnh thị trường ngày càng mở rộng, với sự đa dạng của hàng hóa và dịch vụ, người tiêu dùng không chỉ đóng vai trò là khách hàng mà còn là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một người tiêu dùng thông thái không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần xây dựng một thị trường minh bạch, lành mạnh và công bằng.

Bà Hoàng Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) khuyến nghị, trước hết, một người tiêu dùng thông minh cần biết cách kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.

Theo bà Hoàng Thị Diệu Hồng, việc lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng không chỉ giúp người tiêu dùng tránh khỏi nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Việc tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua là một nguyên tắc quan trọng.

Người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng và các thông số kỹ thuật để đảm bảo chúng phù hợp với nhu cầu của mình. Ngoài ra, tham khảo đánh giá từ các nguồn tin uy tín hoặc người đã từng sử dụng sản phẩm cũng là cách giúp đưa ra quyết định chính xác hơn. Người tiêu dùng tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân với các nguồn không đáng tin cậy...

Một xu hướng đáng chú ý khác trong tiêu dùng hiện đại là hướng tới tiêu dùng bền vững. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần để giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Mỗi hành động nhỏ, từ việc lựa chọn sản phẩm có bao bì tái chế, sử dụng túi vải thay vì túi nilon, cho đến việc ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình xanh, đều có thể góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực cho môi trường.

Còn theo Phó Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng, các đơn vị bán hàng, nhà sản xuất nên ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nguồn gốc sản phẩm tốt hơn, để người tiêu dùng có thể kiểm tra hàng chính hãng thuận lợi.

Ngoài ra, để tránh mua phải hàng giả, theo ông Hùng, người tiêu dùng nên chọn mua từ những thương hiệu uy tín, tham khảo kỹ đánh giá, bình luận của người mua trước đó, không nên dễ dãi với những đường link lạ hay các sản phẩm được chào bán với giá quá rẻ so với thị trường.

Bích Hà

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tieu-dung-thong-minh-la-chan-hang-gia-hang-kem-chat-luong.html