Tiểu thuyết chạm đến thứ virus trong lòng người

Dịch Covid-19 xảy ra đã làm biến đổi và đảo lộn vô vàn khía cạnh của cuộc sống. Thứ virus nguy hiểm với tốc độ lây lan chóng mặt, len lỏi qua hệ miễn dịch và tấn công hủy hoại cơ quan hô hấp của con người, khiến biết bao sinh mệnh người đã ra đi, đẩy nhiều em nhỏ vào cảnh mồ côi.

Chỉ sau 2 năm bệnh dịch, con người đã buộc phải thích nghi và thay đổi toàn bộ thói quen sống của mình. Trước đây, liệu có ai từng mường tượng rằng một ngày nọ, chúng ta chỉ có thể giao tiếp với nhau trong trạng thái đeo khẩu trang thường trực và giữ khoảng cách an toàn. Tiểu thuyết mới “Đắm bầy Virus” (NXB Dân trí, 2022) của Nguyễn Văn Học có bối cảnh diễn ra trong đại dịch Covid-19, nhưng nhà văn không chỉ đề cập đến thứ virus sinh học, mà còn bóc trần một thứ virus khác đã cố hữu tồn tại, đó là virus trong lòng người. Một thứ hạt mầm ác lẩn khuất và sinh trưởng trong mỗi con người, gây thoái mòn đạo đức, khơi dậy lòng tham, làm khủng hoảng đức tin... cũng được che đậy bởi mặt nạ nhân cách.

Cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang khắc họa những vấn đề trong xã hội đương đại

Cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang khắc họa những vấn đề trong xã hội đương đại

“Đắm bầy Virus” được thuật lại qua 2 lời kể song hành của nhân vật Hảo - nhà báo, đóng vai trò ngôi kể chuyện thứ nhất và cây sưa đỏ, đóng vai trò là chứng nhân quan sát tất cả biến động xảy ra ở những làng xóm thuộc xã Tiến Thắng, một xã nông thôn Bắc Bộ điển hình đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của sự biến đổi văn hóa. Xuất phát là những làng quê thanh bình yên tĩnh nhưng Tiến Thắng tất yếu hứng chịu và trải qua cơn bão đến từ quá trình công nghiệp - đô thị hóa, sự nhiễu động của cơn bão này không chỉ làm biến dạng bức tranh cảnh quan làng mạc, mà vô hình trung bóp méo lệch lạc những con người làng sống bên trong nó.

Nếu như nhà báo Hảo là người trong cuộc tận mắt chứng kiến, trăn trở khắc khoải trước những bại hoại xảy ra ngay trong gia đình mình, trong làng của mình thì cây sưa, không phải là một nhân chứng thuần túy vô tri, trái lại còn chính là nạn nhân phải gánh chịu sự phương hại đến từ con người tha hóa. Hai ngôi kể này bổ khuyết cho nhau, thậm chí tương thông cộng cảm lẫn nhau, giúp người đọc nhìn thấy được cả vận động bề mặt của tình tiết lẫn bề sâu của nội tại nhân vật tiểu thuyết.

“Ước sẽ ổn, như toàn thế giới này sẽ ổn. Còn quê hương của tôi, nơi tôi sinh ra thì chẳng thể ổn được trong lúc này. Vùng quê ấy thật gần mà bỗng sao xa cách quá, như thể cách nhau vạn dặm. Như thể đó là một miền đất tôi muốn quên đi. Mà sao quên được. Ở đó còn mồ mả cha ông, còn người thân, họ hàng, những người bạn thuở nào. Ở đó còn một vùng ký ức vừa vắng lặng vừa ồn ào, vừa đáng tự hào vừa muốn chôn sâu. Bao đau khổ về cái mất mát, cái hư vô vẫn trổ mầm trong mỗi đêm mơ, không sao đẩy lui được. Bởi tôi vẫn không thể không nghĩ, không thể vô tâm ngoảnh mặt để sắp xếp một hành trình mới cho gia đình của mình”, trích đoạn trong sách.

Nhà văn Nguyễn Văn Học muốn chuyển tải những bi kịch về việc bán đất đai của tổ tiên, cha ông để hưởng thụ. Thói hưởng thụ đã ăn vào máu giới trẻ. Rất nhiều bi kịch đã xảy ra từ thú ăn chơi hưởng lạc, vô độ. Có thể nói, đại dịch Covid-19 được nói đến trong tác phẩm, như một cái cớ, một chất xúc tác để khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn, đi vào những ẩn ý sâu xa trong tác phẩm. Rằng khi chúng ta mất niềm tin vào đấng tạo hóa, tham lam, ích kỷ, vụ lợi cá nhân, sẽ phải trả giá đắt.

Khai thác bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng trên thực tế, nó chỉ đóng vai trò như một dẫn liệu để Nguyễn Văn Học mở rộng và khai triển những chủ đề cấp bách mình theo đuổi. Bởi, về sâu thẳm, điều tác giả tâm niệm vẫn là nhận diện hiện trạng của những giá trị sống, giá trị nhân văn, giá trị của đức tin trong mỗi con người hiện nay, dùng con chữ để bảo vệ và nhân bản những giá trị trên, góp phần giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.

Trần Trà My

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/129833/tieu-thuyet-cham-den-thu-virus-trong-long-nguoi