Tìm cách 'giải khát' cho đảo Lý Sơn

Năm nay, nắng nóng, khô hạn đến sớm trên huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Tình trạng thiếu nước ngọt đang diễn ra khiến đời sống của hơn 22.000 dân trên đảo gặp không ít khó khăn. Trước tình trạng trên, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ngãi đang tìm cách trữ nước ngọt cho đảo nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.

Đoàn công tác Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi khảo sát tìm giải pháp gom và trữ nước mưa trên đảo Lý Sơn

Đoàn công tác Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi khảo sát tìm giải pháp gom và trữ nước mưa trên đảo Lý Sơn

Khan hiếm nước ngọt

Những ngày cuối tháng 4, nắng nóng lẫn trong hơi mặn của biển khiến đảo Lý Sơn thêm oi bức. Trên những cánh đồng, nông dân chật vật tìm nguồn nước tưới cho cây trồng. Bà Phạm Thị Trường (ở huyện Lý Sơn), than thở: “Mấy cái giếng đào đã cạn nước, một số nhiễm mặn nên tôi phải chuyển đổi từ trồng hành sang trồng bắp để tiết kiệm nước vào mùa hè. Thế nhưng, nước cũng không đủ để duy trì cho cây phát triển. Một số người dân không có giếng thì phải đi nhờ nước từ các giếng của các hộ lân cận, trung bình họ phải trả khoảng 120.000 đồng/giờ để chạy nước tưới cho đồng ruộng”.

Tình trạng nước nhiễm mặn đã lan rộng toàn đảo Lý Sơn khiến 325ha diện tích đất nông nghiệp và hơn 22.000 dân trên đảo phải chịu cảnh “khát” nước ngọt. Không chỉ người dân địa phương, hàng năm, Lý Sơn đón khoảng 165.000-230.000 khách, cao điểm những ngày cuối tuần có khoảng 1.100-1.300 khách/ngày gây áp lực rất lớn cho mạch nước ngầm. Mới đầu mùa nắng, nhưng toàn bộ thôn Tây An Vĩnh, đa số giếng nước đều bị nhiễm mặn, người dân vẫn phải bơm lên và xử lý bằng máy lọc nước để phục vụ sinh hoạt.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “Hiện nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất, du lịch toàn huyện khoảng 21.000m3/ngày nhưng trữ lượng nước đánh giá chỉ 15.000m3/ngày, như vậy người dân đã khai thác vượt ngưỡng hơn 6.000m3/ngày, gây nhiễm mặn nghiêm trọng, suy giảm túi nước trên huyện đảo”.

Hai công trình cấp nước là hệ thống cấp nước Trung tâm huyện Lý Sơn đầu tư xây dựng năm 2016, thiết kế công suất 1.000m3/ngày, cấp nước cho 1.700 hộ nhưng thực tế chỉ có 147m3/ngày, cấp nước cho 600 hộ và Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé - An Bình đầu tư năm 2012, công suất thiết kế 200m3/ngày, thực tế hoạt động chỉ 47% công suất, cấp nước cho 98 hộ dân. Trong khi đó, hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn do UBND huyện Lý Sơn làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017-2020, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Thu gom, trữ nước mưa

Ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, để giải quyết triệt để vấn đề thiếu nước ở huyện đảo Lý Sơn, sở cùng các đơn vị tư vấn khảo sát, nghiên cứu đề xuất giải pháp thu gom nước mặt. Qua đánh giá của đơn vị tư vấn, tổng trữ lượng nước mưa khoảng 9 triệu m3, trừ đi thất thoát, bốc hơi… còn lại lượng nước chảy tràn bề mặt khoảng 3 triệu m3. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 70% hộ gia đình và phần sản xuất nông nghiệp còn lại khoảng 1 triệu m3. Như vậy, cần phải đầu tư xây dựng hệ thống kênh thu gom nước vào bể trữ tập trung để phục vụ cấp nước lâu dài, ổn định cho huyện Lý Sơn.

Ông Hùng nói thêm: “Trước kia, các đơn vị tư vấn cũng tính toán đến xử lý nước biển thành nước ngọt tuy nhiên phương án này không khả thi bởi người dân phải chi trả đến 150.000 đồng/m3 thì rất khó”. Dự kiến trong quý 2-2023, Sở NN-PTNT sẽ đề xuất UBND tỉnh về giải pháp kỹ thuật, nguồn kinh phí công trình thu gom và trữ nước mặt để tỉnh xem xét chủ trương đầu tư. Qua đó, dự kiến giải quyết nhu cầu 600.000m3 nước thô dùng cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản và 400.000m3 nước đã qua xử lý dùng cho sinh hoạt, dịch vụ, du lịch. Song song với giải pháp trên, bà Phạm Thị Hương nêu giải pháp lâu dài: “Theo Quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045, Lý Sơn trở thành đô thị, dân cư sẽ đông đúc hơn, khách du lịch đến tham quan đảo cũng tăng lên. Vì vậy, cần đầu tư xây dựng tuyến đường ống dẫn nước từ đất liền ra đảo để góp phần phát triển bền vững”.

Hơn 1.400 hộ dân Gia Lai hết “khát” nước

Ngày 29-4, ông Nguyễn Văn Công, quyền Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết, Nhà máy cấp nước Chư Sê (thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê) đã khắc phục xong sự cố hư hỏng máy bơm và đã cấp nước trở lại. Hiện người dân đã sử dụng nước bình thường. Trước đó, như Báo SGGP đã phản ánh trong số báo ngày 26-4, Nhà máy cấp nước Chư Sê cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.400 hộ dân thị trấn. Tuy nhiên, do 2 máy bơm bị hư hỏng, không thể đưa nước từ hồ về nhà máy xử lý, buộc đơn vị này phải ngừng cấp nước 6 ngày. Việc này khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Để có nước sử dụng tạm, người dân phải vào làng xin nước giếng hoặc đi mua nước bình.

HỮU PHÚC

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-cach-giai-khat-cho-dao-ly-son-post687909.html