Tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'Tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới' do báo Nhân Dân tổ chức diễn ra vào sáng 16/9 tại Hà Nội.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: VGP/Phương Liên

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: VGP/Phương Liên

Tại tọa đàm, các đại biểu khẳng định, qua 25 năm xây dựng và thực hiện chương trình “Một triệu tấn đường”, ngành mía đường Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo việc làm cho hơn 350.000 hộ nông dân, chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Các đại biểu cũng nhận định, sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại và đặc biệt là hiệp định ATIGA (Hiệp định tự do trong khu vực ASEAN), mặt hàng đường được giảm thuế từ 80% (đường thô) xuống còn 5% trong nội khối ASEAN và đối với đường trắng từ 85% xuống còn 5% từ 1/1/2020.

Tuy nhiên, iệc chính phủ một số nước trong ASEAN trợ giá mặt hàng đường cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất mía đường dẫn đến cuộc chơi không công bằng, cùng với những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, ngành mía đường của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều nhà máy đường hiện đang lâm vào cảnh khó khăn, do không tiêu thụ được sản phẩm nên không có nguồn tiền để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán tiền mía cho nông dân, cũng như chi trả tiền lương cho người lao động. Do tác động của dịch COVID-19 nên 1/3 nhà máy đường đã phải đóng cửa và nhiều DN khác đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Nhằm tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam.

Trong nhiều giải pháp cần sớm được triển khai trong thời gian tới để “cứu” ngành mía đường, tại Chỉ thị số 28/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh đến việc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp các cam kết quốc tế.

Đồng thời, hình thành cơ sở dữ liệu đồng bộ, chính xác về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất trên cơ sở thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp để sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại….

Tại tọa đàm, các đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp, nông dân trong ngành mía đường đã tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề về tình hình thị trường mua bán đường và các sản phẩm từ đường; những khó khăn mà các doanh nghiệp mía, đường đang phải đối mặt; nguyên nhân sụt giảm trong sản xuất của các doanh nghiệp đường trong nước… Đồng thời, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, kích thích tiêu thụ, khơi thông thị trường cho ngành mía đường; việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ trong nâng cao năng suất, chất lượng của ngành; các gải pháp nâng cao nâng cao năng lực, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành mía đường; các giải pháp để hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp trong ngành mía đường;…

Phương Liên

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thi-truong/tim-giai-phap-cho-nganh-mia-duong-trong-tinh-hinh-moi/407823.vgp