Tìm kiếm các giải pháp phòng, chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ khuyết tật

Tại Hà Nội vừa diễn ra buổi Tọa đàm 'Đề xuất chính sách về bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới cho phụ nữ khuyết tật (PNKT)' do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức dưới sự tài trợ của Quỹ Dân chủ Liên hiệp quốc (UNDEF).

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT), trong đó có khoảng 4 triệu phụ nữ khuyết tật (PNKT) với các dạng khuyết tật khác nhau. PNKT trong mọi trường hợp luôn là đối tượng yếu thế cần sự hỗ trợ và bảo vệ về mặt pháp lý cũng như các hoạt động hỗ trợ khác.

Nghiên cứu thực tế của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng tại huyện Ba Vì (Hà Nội) và quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho thấy: Cứ 10 PNKT thì có 4 người đã từng bị ít nhất 1 hình thức bạo lực tình dục (BLTD). Còn theo tổ chức dân số của Liên hiệp quốc thì NKT có nguy cơ bị bạo lực, bạo lực tình dục lớn hơn gấp 3 lần người khác.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã có nhiều đóng góp tâm huyết để bảo vệ NKT và PNKT. Ảnh: T.H

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã có nhiều đóng góp tâm huyết để bảo vệ NKT và PNKT. Ảnh: T.H

Với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, trẻ em gái, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, Hội LHPN Việt Nam cam kết sẽ nhận thức rõ và đầy đủ hơn vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động tham mưu, thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp PNKT bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. “Hội đặt trọng tâm nhiệm vụ vì quyền lợi của phụ nữ, của trẻ em gái (trong đó có PNKT) với những hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu, mong muốn của phụ nữ. Những năm qua, Hội luôn quan tâm đến công tác trợ giúp, tạo điều kiện cho PNKT phát triển vì sự bình đẳng và hòa nhập bằng những việc làm thiết thực, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc”- bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, bà Cao Thị Hồng Minh, Phó trưởng Ban Chính sách– luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: Đối tượng NKT nói chung và PNKT nói riêng đang thiếu các chính sách quy định về hỗ trợ, tư vấn, phòng, ngừa bạo lực tình dục. Luật Người khuyết tật 2010 quy định về các vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề và việc làm… nhưng chưa có quy định liên quan đến công tác phòng ngừa, bảo vệ NKT đối với các hành vi bạo lực, đặc biệt là hành vi bạo hành, xâm hại tình dục đối với nhóm phụ nữ, trẻ em khuyết tật.

Minh chứng cho điều này, bà Cao Thị Hồng Minh chỉ rõ: “Hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam không quy định trong quá trình tố tụng bắt buộc phải có sự tham gia của người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân bị xâm hại tình dục, dẫn đến trường hợp nạn nhân trong những vụ án xâm hại tình dục không có người đại diện quyền và lợi ích của mình thì tại phiên tòa, nạn nhân phải tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình (trừ những trường hợp người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân tự nguyện tham gia quá trình tố tụng để bảo vệ họ). Điều này làm cho nạn nhân phải tự mình khai đi khai lại hành vi xâm hại tình dục của kẻ phạm tội, làm cho nạn nhân bị tổn thương rất lớn về mặt tinh thần…”.

Trước những bất cập về luật pháp, chính sách liên quan đến NKT, đặc biệt là nhóm PNKT và trẻ em gái khuyết tật, đại diện Hội LHPNVN đã đề xuất 5 giải pháp phòng, chống BLTD đối với PNKT. Cụ thể là: Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em nói chung, phụ nữ, trẻ em khuyết tật nói riêng. Các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm minh những đối tượng phạm tội xâm hại tình dục, ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục nói chung, trong đó có quy trình giải quyết riêng đối với hành vi xâm hại tình dục người khuyết tật.

Xây dựng cơ chế và đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp liên ngành, trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vụ việc/trường hợp điển hình về phòng, chống xâm hại tình dục đối với NKT… giữa Hội NKT Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, hỗ trợ pháp lý và tâm lý cho nạn nhân là NKT bị vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp. Tăng cường nguồn lực thích đáng, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong cộng đồng về phòng, chống bạo lực tình dục đối với NKT; Hướng dẫn, tập huấn cho NKT và người chăm sóc NKT để có những giải pháp phòng ngừa hiệu quả đối với hành vi BLTD.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tim-kiem-cac-giai-phap-phong-chong-bao-luc-tinh-duc-doi-voi-phu-nu-khuyet-tat-152692.html