Tín dụng bứt tốc, áp lực thanh khoản

Theo số liệu được NHNN công bố, tính đến ngày 30-6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024.

Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) cao nhất kể từ 2023 đến nay. Với dư nợ vào cuối năm 2024 ở mức 15,6 triệu tỷ đồng, thì ước tính hệ thống NH đã bơm thêm ra nền kinh tế gần 1,6 triệu tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025.

Báo cáo từ một số NH cũng cho thấy đà TTTD mạnh mẽ. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6, tín dụng của Vietcombank đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024, nếu không tính hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ hỗ trợ cho VCB Neo, thì mức tăng là 7,5%.

VietinBank cũng ghi nhận dư nợ tăng khoảng 10%, trong khi Agribank đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6%. Một số NH cổ phần còn ghi nhận mức tăng cao hơn, như TPBank tăng gần 11,7%, KienlongBank đạt mức tăng 13,2%, NamABank tăng tới 14,7% so với đầu năm...

TTTD trong nửa đầu năm là bước chạy đà cho mục tiêu TTTD 16% cả năm 2025. Và ước tính năm nay hệ thống NH có thể bơm thêm khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, cao hơn đáng kể so với mức 2,1 triệu tỷ đồng của năm 2024. Việc NHNN phân bổ sớm chỉ tiêu tín dụng ngay từ cuối năm 2024, đã giúp các NH chủ động hơn trong cân đối vốn và kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng tín dụng nhanh cũng đang tạo sức ép lên nguồn vốn đầu vào và thanh khoản của hệ thống.

Ghi nhận trên thị trường liên NH cho thấy, thanh khoản hệ thống cũng đã có dấu hiệu căng thẳng. Từ mức lãi suất thấp nhất trong vòng một năm vào giữa tháng 6 (qua đêm chỉ 1,9%/năm, kỳ hạn 1 tuần 2,3%), nay lãi suất liên NH bất ngờ tăng mạnh vào cuối tháng 6, lên tới 6,45%/năm với kỳ hạn qua đêm, và qua đó NHNN đã phải bơm hơn 90.000 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) trong một tuần để hỗ trợ thanh khoản.

Trên thị trường 1 (thị trường dân cư), xu hướng giảm lãi suất huy động đã chững lại trong tháng 6. Sang tháng 7, một số NH bắt đầu điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, kèm theo nhiều chương trình như huy động bậc thang, cộng thêm lãi suất từ 0,1-1%/năm nhằm thu hút dòng tiền, nhất là các khoản gửi lớn.

Điều này cho thấy áp lực huy động vốn đang tăng lên trong bối cảnh tín dụng tăng quá nhanh, trong khi mặt bằng lãi suất vẫn cần được giữ ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB (KVSV), mức tăng trưởng cho vay mạnh mẽ đang tạo áp lực thanh khoản cho các NH. Mặc dù thanh khoản các NH được hỗ trợ thông qua việc gia tăng tiền gửi kho bạc tại các NH quốc doanh, cũng như NHNN hỗ trợ thông qua nghiệp vụ OMO để nguồn vốn vẫn ổn định phục vụ cho TTTD.

Tuy nhiên, sẽ không loại trừ thanh khoản sẽ căng thẳng trong một vài thời điểm, nhất là thời điểm đẩy mạnh tín dụng cuối năm và khả năng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trở lại từ quý IV-2025.

Theo một chuyên gia tài chính, muốn thúc đẩy sản xuất, mở rộng quy mô hàng hóa, nền kinh tế bắt buộc phải được cung ứng đủ nguồn lực tài chính, cụ thể là dòng tiền. Nói cách khác, tăng trưởng hàng hóa không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ của tín dụng, bởi tiền tệ chính là huyết mạch nuôi dưỡng hoạt động sản xuất.

Nhưng việc đẩy nhanh luân chuyển vốn như hiện nay, tức đưa một lượng tiền đủ lớn vào lưu thông là điều kiện thiết yếu để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tăng năng lực sản xuất và tạo ra tăng trưởng thực chất.

Thế nhưng, tình trạng tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ huy động, lãi suất liên NH biến động mạnh trong thời gian gần đây, cho thấy áp lực thanh khoản đang dần bộc lộ. Hiện NHNN chưa công bố chính thức số liệu về huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, tính đến ngày 26-6, huy động vốn từ các tổ chức tín dụng chỉ tăng 6,11%, trong khi tín dụng tăng trưởng tới 8,3%.

Sự chênh lệch này tiếp tục phản ánh xu hướng "lệch pha" giữa tốc độ tăng huy động và TTTD, một dấu hiệu cho thấy hệ thống NH đang mở rộng cho vay nhanh hơn khả năng thu hút nguồn vốn đầu vào.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tin-dung-but-toc-ap-luc-thanh-khoan-post124420.html