Tín dụng chính sách trợ lực phát triển nghề mới

Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đại Thành, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo.

Mở hướng sản xuất mới

Năm 2009, vợ chồng ông Ngô Văn Hưng (SN 1975), thôn Hà Nội nhận thông báo con gái thứ 2 bị bệnh tim bẩm sinh từ bác sĩ. Chi phí phẫu thuật lớn, ngoài số tiền tiết kiệm được, vợ chồng ông phải đôn đáo vay mượn thêm bạn bè, người thân. Đến năm 2013, ông chịu thêm cú sốc lớn khi vợ ông mất trong quá trình vượt cạn sinh con trai thứ 3.

 Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Ngô Văn Hưng mở xưởng mộc, vươn lên thoát nghèo.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Ngô Văn Hưng mở xưởng mộc, vươn lên thoát nghèo.

Cuộc sống vốn đã vất vả nay lại càng khó khăn hơn khi một mình ông phải bươn chải để nuôi 3 con, gia đình nhiều năm thuộc diện nghèo. Trong lúc loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, năm 2020, ông được Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn hướng dẫn làm hồ sơ vay 120 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để mở xưởng mộc tại nhà.

Với tay nghề vững sau nhiều năm làm thuê tại làng đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống Đồng Kỵ, TP Từ Sơn (Bắc Ninh), xưởng mộc của ông được nhiều người biết đến, có thời điểm phải thuê 2-3 lao động để kịp trả hàng cho khách. “Hiện khách hàng của tôi không chỉ ở trong thôn, xã mà có cả khách hàng đến từ các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang. Nhờ nguồn thu ổn định, tôi có điều kiện nuôi các con ăn học và thoát nghèo”, ông Hưng chia sẻ.

Để trợ lực cho các hộ, trên địa bàn xã đang thực hiện 9 chương trình tín dụng chính sách gồm: Hộ nghèo; cận nghèo; mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm; hộ nghèo khó khăn về nhà ở; hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ khó khăn và học sinh, sinh viên mua máy tính.

6 tháng đầu năm nay, doanh số cho vay toàn xã đạt gần 2 tỷ đồng với 48 lượt khách hàng vay mới; qua đó nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn là hơn 20,8 tỷ đồng, tổng số hộ vay còn dư nợ là 331 hộ. Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ được tiếp sức đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao.

Trường hợp anh Ngô Văn Phú (SN 1983), thôn Đại Mão là một ví dụ. Được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ khó khăn, anh cải tạo, sửa chữa tầng 1 của gia đình, mở cửa hàng tạp hóa. Hiện bình quân mỗi tháng, vợ chồng anh thu lãi hơn 10 triệu đồng từ hoạt động kinh doanh. Cũng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, bà Trần Thị Hường (SN 1967), thôn Hà Nội có điều kiện nuôi hai con ăn học. Hiện các con của bà đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Hay như ông Ngô Văn Luân (SN 1954), thôn Bảo Tân thoát nghèo nhờ được vay vốn để chăn nuôi bò sinh sản. “Lúc khó khăn, tôi được vay vốn chính sách với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này giúp gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, ông Luân chia sẻ.

Gắn trách nhiệm của ngành, đoàn thể

Xác định nguồn vốn ưu đãi là đòn bẩy giúp các hộ thêm cơ hội thoát nghèo, Ban chỉ đạo Giảm nghèo xã thực hiện nhiều giải pháp đưa nguồn vốn đến với các đối tượng. Theo đó, xã giao cho các tổ chức hội, đoàn thể làm “cầu nối”, đứng ra nhận ủy thác, giúp các hộ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi.

 Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Thành tặng quà cho hội viên hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Thành tặng quà cho hội viên hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Với trách nhiệm được giao, các đoàn thể tiến hành rà soát, lựa chọn cho vay bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng. Quá trình sử dụng vốn, cá nhân được giao phụ trách thường xuyên kiểm tra, giám sát việc trả gốc và lãi theo cam kết; kịp thời phát hiện và đề xuất những biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn tồn tại từ cơ sở.

Nhờ đó, hàng trăm hộ dân trên địa bàn đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Hết năm 2023, toàn xã còn 18 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,72% và 25 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,39%, vượt mục tiêu đề ra.

Mặc dù vậy, qua đánh giá, mức tăng trưởng cho vay trên địa bàn xã còn thấp, lãi tồn vẫn cao, còn một món nợ chưa thu hồi được… Việc rà soát nhu cầu vay vốn của một số Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể chưa thường xuyên, chưa chủ động, đặc biệt là chương trình cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường.

Khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, các hội, đoàn thể trên địa bàn xã tiếp tục phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai các chương trình tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ người dân sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Để vốn vay phát huy hiệu quả, Ban chỉ đạo Giảm nghèo xã phân công nhiệm vụ đến từng thành viên, các đoàn thể. Ngoài việc thẩm định, phân bổ nguồn vốn vay, các đoàn thể liên quan còn cử cán bộ cầm tay chỉ việc, giúp hộ vay vốn có phương án làm ăn, sản xuất hiệu quả để thoát nghèo, không để ai ở lại phía sau”, ông Ngô Văn Sử, Chủ tịch UBND xã - Trưởng Ban chỉ đạo Giảm nghèo xã Đại Thành cho biết.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tin-dung-chinh-sach-tro-luc-phat-trien-nghe-moi-134212.bbg