Tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Anh

Những tin vui đã đến với nước Anh vào đầu năm mới 2022, khi nền kinh tế ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, vượt mức trước đại dịch Covid-19. Nới lỏng dần các biện pháp hạn chế kết hợp đẩy mạnh tiêm chủng là yếu tố then chốt giúp phát triển kinh tế sau khoảng thời gian nước Anh lao đao vì đại dịch.

Một khu phố ẩm thực ở thủ đô Luân Đôn của Anh. (Ảnh REUTERS)

Một khu phố ẩm thực ở thủ đô Luân Đôn của Anh. (Ảnh REUTERS)

Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) tuyên bố, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính tăng 0,9% trong tháng 11/2021, cao hơn mức trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Đây là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế của “xứ sở sương mù”. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak (R.Xu-nác) nhấn mạnh, kết quả lạc quan này chính là minh chứng cho sự gan dạ và quyết tâm của người dân Anh. Mức độ phục hồi của nền kinh tế Anh thậm chí còn vượt qua các dự báo được đưa ra trước đó. Hồi tháng 10/2021, giới chuyên gia cho rằng, kinh tế Anh sẽ phục hồi về bằng mức trước đại dịch vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Sở dĩ nước Anh, một trong những quốc gia châu Âu từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, đạt được những triển vọng tăng trưởng kinh tế tươi sáng nêu trên là bởi nhu cầu tiêu dùng gia tăng sau khi Anh quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Hồi quý II/2021, giữa lúc phần lớn các nước châu Âu bước vào những đợt phong tỏa mới để kiểm soát số ca mắc Covid-19 gia tăng, Thủ tướng Anh Boris Johnson (B.Giôn-xơn) lại thông báo kế hoạch nhằm giảm bớt các biện pháp hạn chế chống dịch và dần nối lại hoạt động du lịch quốc tế. Người dân được phép tới các cửa hàng bán đồ không thiết yếu, nhà hàng, quán bar; các trường học cũng được mở cửa trở lại. Ngay sau đó, bức tranh kinh tế Anh dần khởi sắc, với sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ. Nước Anh đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng trong quý II/2021, với sản lượng trong lĩnh vực lưu trú và thực phẩm tăng vọt 87,6%.

Mặc dù kinh tế Anh đang trên đà phục hồi song vẫn được cảnh báo là còn nhiều rủi ro phía trước. Nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics, ông Samuel Tombs (X.Tom) nhận định, triển vọng kinh tế của Anh thời gian tới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi các hộ gia đình phải tuân thủ một số biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm của biến thể Omicron của vi-rút SARS-CoV-2. Sự hoành hành của biến thể Omicron, đang dần thay thế biến thể Delta trở thành biến thể chủ đạo ở một số nước châu Âu, chính là rào cản lớn nhất đối với nỗ lực phát triển kinh tế ở Anh.

Mới đây, Hiệp hội Bán lẻ Anh cảnh báo, các hạn chế nhằm ứng phó nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron có nguy cơ làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế. Hiện các siêu thị tại Anh đang nỗ lực tránh thua lỗ. Siêu thị Tesco, nhà bán lẻ lớn nhất nước Anh, công bố doanh số bán hàng tăng 3,2% trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới vừa qua.

Biến thể Omicron là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em nhập viện đang gia tăng ở Anh. Nghiên cứu mới đây cho thấy, 42% số trẻ em mắc Covid-19 phải nhập viện là dưới 1 tuổi, cao hơn so với tỷ lệ khoảng 30% trong các đợt bùng phát dịch trước đó. Giới chức Anh khẳng định, tất cả người dân đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đời sống, công việc của cả cộng đồng, do đó cần sớm tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 tăng cường nhằm bảo vệ các thành quả phục hồi kinh tế.

Triển vọng phát triển kinh tế của các quốc gia phụ thuộc phần nhiều vào diễn biến dịch bệnh. Khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành trên thế giới với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron như hiện nay, tiếp tục áp dụng các quy định phòng dịch và thúc đẩy chương trình tiêm vắc-xin tăng cường là những biện pháp cần thiết để góp phần bảo vệ các thành tựu kinh tế mà nước Anh đã phải trải qua nhiều khó khăn mới đạt được.

HOÀNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/tin-hieu-lac-quan-cua-nen-kinh-te-anh-685444/