Tin thế giới 3/2: Báo Mỹ bi quan về Bakhmut, Leopard 1 sắp 'cập bến' Kiev?

Trung Quốc 'kiên định con đường phát triển hòa bình', Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích phương Tây làm một việc…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Đức đã cấp phép cho việc gửi xe tăng Leopard 1 tới Ukraine. (Nguồn: Wikipedia)

Đức đã cấp phép cho việc gửi xe tăng Leopard 1 tới Ukraine. (Nguồn: Wikipedia)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Bloomberg: Ukraine có thể sớm rút quân khỏi Bakhmut: Truyền thông phương Tây trích dẫn một số nguồn tin tình báo cho biết Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) đã mất quyền kiểm soát tất cả các con đường dẫn đến Bakhmut.

Nếu cách đây khoảng hai tuần, các con đường đến Konstantinovka và Chasov Yar vẫn ở một mức độ an toàn nhất định với VSU thì giờ đây chúng đã nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn hoặc một phần của lực lượng Nga ở các khu vực khác nhau. Do đó, Bloomberg cho rằng nhiều khả năng VSU sẽ rút quân khỏi Bakhmut.

Theo bài báo, Washington “khuyến nghị Kiev nên rút quân khỏi Bakhmut để bảo toàn lực lượng và kéo dài thời gian cho đến khi được viện trợ xe tăng”. Tuy nhiên, bài báo cũng cho rằng bất chấp việc mất Bakhmut, quân đội Ukraine sẽ có thể bố trí một tuyến phòng thủ mới ở phía Tây thành phố.

Bloomberg nhận định: “Việc rút quân sẽ cho phép bảo tồn lực lượng cho đợt tấn công vào mùa Xuân ở hướng Nam”. Đồng thời, bài báo cũng đánh giá rằng dù chiếm được Bakhmut, đồng thời tiến về Slavyansk và Kramatorsk, song “các lực lượng Nga dường như không đủ mạnh để chiếm được những vùng lãnh thổ này trong tương lai gần”. (Bloomberg)

* Đức cấp phép gửi xe tăng Leopard 1 cho Ukraine: Ngày 3/2 tại Berlin, người phát ngôn Chính phủ Đức xác nhận nước này đã cấp phép xuất khẩu xe tăng chiến đấu Leopard 1 cho Ukraine từ kho vũ khí của mình. Tuy nhiên, quan chức này không nêu rõ số lượng xe tăng chuyển cho Kiev. Trước đó, tờ SZ (Đức) đưa tin tập đoàn quốc phòng Rheinmetall và Flensburger Fahrzeugbau Gesellschaft đã sẵn sàng tân trang hàng chục xe tăng Leopard 1 để hỗ trợ cho Ukraine. (Reuters)

* CIA nhận định thời điểm then chốt cho xung đột Ukraine: Phát biểu trong một sự kiện tại Đại học Georgetown, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns nhận định 6 tháng tới sẽ là thời điểm then chốt với xung đột ở Ukraine. Ông nhận định hiện Nga đang đánh cược vào sự “mệt mỏi chính trị” của phương Tây và nước này “không nghiêm túc trong các cuộc đàm phán”.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cáo buộc Washington đã khiến căng thẳng về Ukraine và gây sức ép với các quốc gia khác. (TASS)

Đông Nam Á

* Mỹ, Philippines sẽ tái khởi động tuần tra chung ở Biển Đông: Tuyên bố ngày 2/2 của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ trong chuyến thăm Manila của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, ông và người đồng cấp chủ nhà Carlito Galvez “đã nhất trí khởi động lại hoạt động tuần tra chung ở Biển Đông để góp phần giải quyết các thách thức (an ninh)”. Trước đó, Philippines cũng cho phép quân đội Mỹ tiếp cận 4 căn cứ ở “khu vực chiến lược” của quốc gia Đông Nam Á này.

Dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, Mỹ, Philippines đã đình chỉ hoạt động tuần tra chung ở Biển Đông. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Washington và Manila nỗ lực hàn gắn mối quan hệ song phương. Hiện chính quyền mới của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đang muốn đảo ngược chiều hướng đó. Những thách thức an ninh tại Đông Nam Á và Đông Bắc Á đang trở thành động lực mới cho Mỹ và Philippines tăng cường quan hệ đối tác song phương. (AFP)

Nam Á

* Pakistan nỗ lực đối phó khủng bố: Ngày 3/2, giới lãnh đạo và quân đội Pakistan đã nhóm họp tại Peshawar để thảo luận về cách thức đối phó với “làn sóng khủng bố mới”.

Phát biểu khai mạc cuộc họp có sự tham gia của chỉ huy quân sự và tình báo Pakistan, Thủ tướng Shehbaz Sharif nhấn mạnh: “Toàn thể quốc dân muốn biết làm cách nào để chống lại mối đe dọa này và những biện pháp nào có thể được thực hiện để tiêu diệt làn sóng khủng bố mới. Chúng ta sẽ sử dụng mọi nguồn lực trong khả năng cho phép để đối phó mối đe dọa này”. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc “kiên định con đường phát triển hòa bình: Phát biểu tại cuộc gặp Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Khóa 77 Csaba Korosi ngày 3/2, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu rõ: “Môi trường quốc tế và khu vực hiện nay đang trải qua những thay đổi sâu sắc và phức tạp, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để duy trì các mục đích và nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, tuân thủ luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, tuân thủ định hướng của toàn cầu hóa kinh tế và một thế giới đa cực, cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên toàn thế giới”.

Thủ tướng Trung Quốc khẳng định nước này sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ và tham gia công việc của LHQ, tăng cường phối hợp và hợp tác trong lĩnh vực phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu, cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Ông Lý nhấn mạnh: “Dù tình hình quốc tế thay đổi ra sao, Trung Quốc sẽ kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình, kiên định chính sách cải cách và mở cửa, thực hiện chiến lược cùng có lợi, phát huy các giá trị phổ quát hòa bình, phát triển, trung thực, công lý, dân chủ và tự do, phát triển thông qua trao đổi và hợp tác quốc tế rộng rãi, mang lại cơ hội mới cho sự phát triển của toàn thế giới”. (Sputnik)

* Anh, Australia muốn duy trì ổn định ở Eo biển Đài Loan: Tuyên bố chung của Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng giữa Anh và Australia nhấn mạnh cần phải duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, khuyến khích giải quyết các vấn đề giữa Hai bờ một cách hòa bình mà “không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay ép buộc”.

Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng hai nước cũng phản đối hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng và nhấn mạnh cam kết ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc) tham gia các tổ chức quốc tế trên tư cách khách mời hoặc quan sát viên. Các bên khẳng định mong muốn tiếp tục thắt chặt quan hệ với Đài Bắc trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, thương mại, công nghệ và văn hóa. (Taiwan News)

Châu Âu

* NATO kêu gọi Nga tuân thủ New START: Ngày 3/2, viết trên Twitter, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định: “Chúng tôi lưu ý với lo ngại rằng Nga đã không tuân thủ các nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý theo New START, trong đó có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh sát (trên lãnh thổ Nga), đồng thời kêu gọi Moscow thực hiện các nghĩa vụ của họ theo hiệp ước này”. (Reuters)

* Tên lửa phòng không Đức sẵn sàng tác chiến tại Ba Lan: Ngày 3/2,báo chí Ba Lan đưa tin các hệ thống phòng không Patriot của Đức tại đây đã sẵn sàng tác chiến. Theo tờ Rzeczpospolita (Ba Lan), Berlin đã cung cấp cho Warsaw 3 khẩu đội Patriot PAC-3 để tăng cường phòng thủ biên giới phía Đông của Ba Lan. Đồng thời, các hệ thống phòng không của Đức đang được tích hợp với hệ thống phòng không của Ba Lan.

Trang này cũng dẫn thông tin từ Bundeswehr (Lực lượng vũ trang Đức) cho biết 350 binh sĩ Đức đã được điều động bổ sung đến Ba Lan cùng với tổ hợp tên lửa Patriot và có thể tăng lên 650 binh sĩ khi cần thiết.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tháng 11/2022, một tên lửa đã rơi tại khu vực biên giới Ba Lan giáp với Ukraine, khiến 2 người thiệt mạng. Chính quyền Ba Lan nhận định đó có thể là một tên lửa phòng không của Ukraine. (TTXVN)

* Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích phương Tây tạm đóng phái bộ ngoại giao tại Ankara: Ngày 3/2, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh: “Quyết định đóng cửa các lãnh sự quán mà không chia sẻ chi tiết với chúng tôi là hành động cố ý. Nếu họ muốn tạo ấn tượng rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia không ổn định, đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố, thì động thái này không phù hợp với mối quan hệ hữu nghị và đồng minh của chúng tôi… Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi nguồn tin ở đâu và ai là thủ phạm, thì họ lại không chia sẻ bất kỳ thông tin nào với cơ quan an ninh và tình báo của chúng tôi…”

Ông khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện “biện pháp bổ sung” trong trường hợp những quốc gia này lại đóng cửa phái bộ ngoại giao mà không chia sẻ thông tin.

Trước đó, trong tuần này, Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Thụy Sĩ đã tạm đóng cửa phái bộ ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn lý do an ninh. Ngày 1/2 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại sứ của 9 nước phương Tây đến để chỉ trích quyết định trên. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ của nước này Suleyman Soylu cho rằng các đại sứ quán đang phát động “cuộc chiến tâm lý mới” nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

* Lãnh đạo Pháp, Israel thảo luận cách về Iran: Chiều ngày 2/2, ông Benjamin Netanyahu đã thăm Paris, trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi trở lại làm Thủ tướng Israel.

Ngày 3/2, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết: “Thủ tướng Israel Benjamin Netanuahu đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận rất lâu về cách thức đối phó với mối đe dọa hạt nhân Iran. Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh cần tăng cường khả năng răn đe với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này ở Trung Đông. Thủ tướng Netanyahu cũng kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran, đồng thời đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách khủng bố của Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo “đã thảo luận về tình hình khu vực và sự cần thiết của việc duy trì sự ổn định trong khu vực, đặc biệt là ở Lebanon. Họ cũng đề cập đến các cơ hội mở rộng vòng tròn hòa bình”, bao gồm Israel và láng giềng Arab. (TASS)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-32-bao-my-bi-quan-ve-bakhmut-leopard-1-sap-cap-ben-kiev-215373.html