Tin thế giới ngày 7/7: Anh 'kẹt cứng' vì Huawei, Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ 'kéo nhau' ra EU, Ankara lớn tiếng đe dọa

Anh bị kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ về Huawei, Thổ Nhĩ Kỳ-Pháp 'kéo nhau' ra EU, quan hệ Mỹ-Iran là những sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Trung Quốc-Anh

Anh đáp trả cảnh báo của Trung Quốc liên quan đến Huawei

Ngày 7/7, Bộ trưởng Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp Anh Alok Sharma nhấn mạnh, London có thể hoan nghênh đầu tư nước ngoài, song cũng bảo vệ các giá trị của nước này.

Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc cảnh báo, tranh cãi liên quan đến tập đoàn công nghệ Huawei có thể đe dọa các mối quan hệ kinh tế giữa nước này và Anh một cách sâu rộng hơn.

Bộ trưởng Sharma nêu rõ: "Tôi không cho rằng có bất kỳ mâu thuẫn nào trong việc hoan nghênh đầu tư vào Anh với việc đồng thời bảo vệ các giá trị và lợi ích của Anh cũng như an ninh của chúng tôi".

Ông cũng tỏ rõ quan điểm không muốn suy đoán về quyết định sắp tới của Chính phủ Anh liên quan tới Huawei, song các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới London.

Anh đã tạm thời quyết định cho phép Huawei tham gia chương trình phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông 5G, song London lại đang chịu sức ép của Mỹ yêu cầu đảo ngược quyết định này. Dự kiến, Anh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này trong những tuần tới.

Liên quan vấn đề Hong Kong, ngày 6/7, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cáo buộc London "can thiệp không thể chấp nhận nổi" vào việc Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới đối với Hong Kong.

Trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Raab khẳng định "đây không phải là can thiệp không chấp nhận nổi vào công việc nội bộ" và cho rằng "đó là sự tin tưởng và rất nhiều nước trên thế giới đều đặt ra câu hỏi: liệu Trung Quốc có tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế của mình?". (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:

Mỹ-Trung Quốc

Trong một loạt bình luận trên Twitter ngày 6/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục sử dụng cụm từ "China Virus" để chỉ virus corona chủng mới gây ra đại dịch Covid-19, đồng thời gay gắt: “Trung Quốc đã gây ra tổn thất nặng nề cho Mỹ và phần còn lại của thế giới”.

Trước đó, hôm 30/6, Tổng thống Trump từng tuyên bố ông “ngày càng tức giận với Trung Quốc” khi chứng kiến “đại dịch lây lan và gây tổn thất khắp thế giới, trong đó có tổn thất to lớn với nước Mỹ”.

Chính quyền Tổng thống Trump nhiều lần cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu. Mỹ và các đồng minh cho rằng, việc Trung Quốc cố tình che giấu thông tin khi dịch mới bùng phát khiến thế giới chậm trễ ứng phó. Đại dịch khiến quan hệ Mỹ-Trung leo thang căng thẳng khi ông Trump nhiều lần cảnh báo cắt quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.

Mỹ hiện vẫn là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 132.000 người tử vong và hơn 3 triệu ca nhiễm, trong khi đó, đại dịch đang có xu hướng tái bùng phát mạnh tại nhiều bang ở cường quốc này.

Tuy nhiên, trong một bình luận nhắm đến các hãng truyền thông mà ông Trump gọi là "truyền thông tin giả", ông chủ Nhà Trắng khẳng định, số ca tử vong vì Coivd-19 đã giảm 39% và hiện tại, Mỹ đang có tỷ lệ tử vong thấp nhất thế giới. (NDTV)

Thổ Nhĩ Kỳ-EU Căng thẳng Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ trên Địa Trung Hải, Ankara quay ra đe dọa EU

Ngày 6/7, Thổ Nhĩ Kỳ dọa sẽ trả đũa Liên minh châu Âu (EU) nếu Khối này quyết định áp đặt trừng phạt mới đối với Ankara liên quan đến bất đồng tại Đông Địa Trung Hải.

Phát biểu tại buổi họp báo chung với Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói: "Đưa ra quyết định chống lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không giải quyết được những vấn đề hiện có, trái lại, sẽ làm phức tạp thêm vấn đề. Nếu EU áp đặt thêm các biện pháp chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi sẽ đáp trả. Nếu EU trừng phạt thêm Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi cũng có các bước đi tại Đông Địa Trung Hải".

Về phần mình, ông Borrell nói, mối quan hệ gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU không được thuận lợi và có "những vấn đề nghiêm trọng và đang diễn ra". Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải thay đổi thực tế trong quan hệ hiện nay. Chúng ta phải đi theo lộ trình tích cực để tránh có thêm những vấn đề".

Trước đó, Pháp đã kêu gọi EU tổ chức một cuộc họp để thảo luận sâu thêm về trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến một số vấn đề tại Đông Địa Trung Hải và Libya. Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra bất đồng sau khi Ankara cáo buộc Paris có lỗi trong một vụ va chạm giữa tàu của hai nước tại Địa Trung Hải.

Pháp cho rằng, một tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ, lúc đó đang hộ tống một tàu mang cờ Tanzania, ngày 10/6 đã sử dụng radar khóa mục tiêu nhằm vào tàu khu trục Courbet trên đường tiếp cận đoàn hộ tống này theo một nhiệm vụ của NATO nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu vũ khí tới Libya, quốc gia mà tại đó Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ hai phe đối lập nhau.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, Đại sứ nước này tại Pháp Ismail Hakki Musa ngày 1/7 đã trình bày lý lẽ của Ankara trước Ủy ban Thượng viện Pháp về đối ngoại và quốc phòng, khiến Bộ Ngoại giao Pháp giận dữ. Pháp sau đó không lâu đã rút khỏi sứ mệnh của NATO. (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:

Iran

Nga 'ám chỉ' các nước châu Âu về JCPOA

Ngày 6/7, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna Mikhail Ulyanov cảnh báo những nước ký thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), cần tránh các tranh chấp không có kết quả và có khả năng gây tổn hại, ám chỉ kế hoạch của 3 nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận là Đức, Anh, Pháp (E3) nhằm kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp (DRM) trong thỏa thuận và một quyết định tương tự Iran mới đưa ra.

Trước đó, trong một đăng tải trên trang mạng xã hội Twitter ngày 4/7, ông Ulyanov lưu ý, quan điểm nguyên tắc của Nga là tất cả các vấn đề thực thi theo JCPOA phải được giải quyết trong khuôn khổ của Ủy ban hỗn hợp.

Hồi giữa tháng 1, E3 cho biết, họ có kế hoạch kích hoạt DRM, có thể khôi phục các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Iran. Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói rằng, E3 sẽ thông báo cho EU rằng họ sẽ kích hoạt DRM mà cơ chế tiếp theo rốt cuộc có thể dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran theo nghị quyết trước đây của Liên hợp quốc.

Đầu tháng 7, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, ông đã nhận được một lá thư của Iran yêu cầu kích hoạt DRM trong JCPOA do E3 không tôn trọng các cam kết của họ theo thỏa thuận.

Ông Borrell cho biết thêm, bức thư do Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif viết đã nhấn mạnh những lo ngại của Iran về các thực thi của E3 trong Ủy ban hỗn hợp giải quyết thỏa thuận thông qua tiến trình giải quyết tranh chấp được nêu trong Chương 36 của thỏa thuận. (Reuters)

Ngoại trưởng Zarif nói Mỹ lo ngại 'sự lớn mạnh' của Tehran

Ngày 6/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho hay, sức ép từ phía Mỹ và Israel chứng tỏ rằng hai quốc gia này lo ngại về những thành tựu mới của Tehran trong vài năm gần đây.

Phát biểu tại một cuộc họp các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Iran, ông Zarif cho rằng "có lẽ không quốc gia nào khác hứng chịu nhiều áp lực như vậy từ các cường quốc, nhất là Mỹ và chính quyền Do Thái".

Ông Zarif cũng cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Iran thường xuyên phải ứng phó với các nước và tổ chức bên ngoài Iran, "những đối tượng sử dụng mọi quyền lực để gây sức ép với người dân Iran", đồng thời lưu ý, sức ép mà Washington và Tel Aviv nhằm vào Iran xuất phát từ thực tế rằng hai nước này "lo ngại về sự lớn mạnh và năng lực của Iran, điều khiến họ phải có hành động để chống lại".

Phát biểu của ông Zarif được đưa ra chỉ một ngày sau khi chỉ huy trưởng Hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn đô đốc Alireza Tangsiri tuyên bố nước này đã phát triển các thành phố ngầm dọc theo toàn bộ bờ biển phía Nam, trong đó có Vịnh Persia và Biển Oman, có thể chứa tàu hải quân và các hệ thống tên lửa. (IRNA)

Bạn có thể quan tâm:

Mỹ ngừng cấp thị thực lao động đến hết năm, Nhật bản lo ngại

Ngày 7/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi bày tỏ quan ngại với Mỹ về quyết định của Washington ngừng cấp một số loại thị thực lao động cho đến hết năm nay, cho rằng động thái này không chỉ gây tổn hại cho các công ty Nhật Bản mà còn đối với cả nền kinh tế Mỹ.

Phát biểu họp báo, ông Motegi nhấn mạnh: "Nhật Bản đầu tư vào Mỹ và xây dựng các nhà máy ở đây, mua sắm trang thiết bị và thiết lập các kênh phân phối, đóng góp rất lớn vào tạo việc làm và nền kinh tế nói chung. Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại rằng việc ngừng cấp thị thực có thể ảnh hưởng tới điều này".

Trước đó, ngày 22/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp đình chỉ việc cấp thị thực lao động cho đến cuối năm 2020, điều mà ông cho là "bộc lộ một mối đe dọa đáng kể đối với cơ hội việc làm của người Mỹ, vốn bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn kinh tế nặng nề do sự bùng phát đại dịch Covid-19".

Trong số các loại thị thực mà Mỹ tạm hoãn cấp bao gồm thị thực H-1B dành cho lao động có kỹ năng cao trong các lĩnh vực như công nghệ và tài chính, thị thực H-2B cho lao động tạm thời trong lĩnh vực phi nông nghiệp, cũng như thị thực cho lao động trao đổi và những lao động thuyên chuyển trong nội bộ một công ty từ nước ngoài.

Theo khảo sát của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, hơn 1.400 lao động thuộc ít nhất 308 công ty của nước này đã bị ảnh hưởng bởi quyết định trên. (Kyodo)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-77-anh-ket-cung-vi-huawei-phap-tho-nhi-ky-keo-nhau-ra-eu-ankara-lon-tieng-de-doa-118917.html