Tin vui: Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM được vay tiền đóng học phí
Từ năm học 2025-2026, sinh viên của 8 trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được vay tín dụng để đóng học phí, tối đa 30 triệu đồng/học kỳ.
Chiều 25-7, ĐH Quốc gia TP.HCM và Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã ký kết triển khai chương trình tín dụng học phí dành riêng cho sinh viên.
Chương trình có tổng hạn mức lên đến 50 tỉ đồng, lãi suất chỉ 2% trong thời gian học tập.
Theo thỏa thuận hợp tác, chương trình sẽ được triển khai thí điểm trong năm học 2025–2026, áp dụng cho sinh viên chính quy bậc đại học đang học tại tám trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM. Gồm Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Khoa học sức khỏe, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Khoa học tự nhiên.

Hai đơn vị thực hiện ký kết. Ảnh: T.THÔNG
Mỗi sinh viên có thể vay tối đa 30 triệu đồng mỗi học kỳ (không quá 50 triệu đồng/năm học), tối thiểu 5 triệu đồng/học kỳ. Việc vay vốn không yêu cầu tài sản thế chấp hay chứng minh thu nhập, điều kiện xét duyệt minh bạch và thủ tục đơn giản.
Thời hạn vay tối đa là 9 năm, bao gồm cả thời gian học và thời gian trả nợ sau tốt nghiệp. Trong thời gian học tập và một năm sau khi tốt nghiệp, sinh viên chỉ phải trả lãi suất 2%/năm. Phần lãi suất chênh lệch 3,5% còn lại sẽ được Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM chi trả từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp. Sau thời gian này, sinh viên bắt đầu trả cả gốc lẫn lãi với mức lãi suất cơ sở ưu đãi do ACB cập nhật định kỳ (không cộng biên độ, điều chỉnh mỗi quý).
Một điểm đáng chú ý của chương trình là không chỉ hỗ trợ sinh viên khó khăn mà mở rộng cho mọi sinh viên trong hệ thống nếu có nhu cầu tự chủ tài chính.
Phát biểu tại buổi ký kết, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết thực tế trong thời gian qua, số lượng sinh viên vay vốn từ ngân hàng chính sách của Nhà nước ngày càng giảm. Nguyên nhân một phần do tiêu chí vay vốn chỉ dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, đối tượng hộ nghèo cũng giảm dần. Hơn nữa, thủ tục vay phức tạp, mức vay còn thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Trong khi đó, học phí ĐH ngày một tăng, là áp lực không nhỏ đối với phụ huynh, sinh viên.

PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu
Do đó, theo PGS.TS Vũ Hải Quân, chương trình vay vốn tín dụng do ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với đối tác triển khai lần này nhằm thực hiện sứ mệnh của ĐH Quốc gia TP.HCM về việc tạo sự công bằng, đảm bảo cho tất cả sinh viên được tiếp cận cơ hội học ĐH, có nguồn vay ưu đãi để trang trải học tập. Đồng thời, chương trình tín dụng cũng thể hiện tính trách nhiệm của tất cả các bên, tạo ra văn hóa chia sẻ, đồng hành từ cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cả trách nhiệm học tập của người học.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội (nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM) chia sẻ, khi ông còn đương nhiệm tại TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM luôn đau đáu về tín dụng cho sinh viên. Bởi TP.HCM có hơn 500.000 sinh viên đang theo học, việc vay tiền đi học là rất bình thường trên thế giới, nhất là quốc gia lớn như Mỹ, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Phan Văn Mãi chia sẻ tại buổi ký kết. Ảnh: T.THÔNG
Vì vậy, ông Mãi cũng kỳ vọng trong thời gian tới, chương trình tín dụng không chỉ là mô hình dành riêng cho sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM mà có thể triển khai rộng rãi.
"Với sự đồng hành của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp, TP.HCM có thể từng bước đáp ứng nhu cầu vay vốn học tập cho hàng trăm ngàn sinh viên, từ đó góp phần tạo lập cơ hội công bằng trong tiếp cận giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước" - ông Mãi kỳ vọng.