Tình cảnh trái ngược với Mỹ khi ông Biden đến Israel

Vào ngày đầu tiên trong chuyến công du tới Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được sự chào đón cuồng nhiệt mà ông chỉ có thể mơ tới khi ở Washington.

Nếu chỉ dùng 3 từ để tóm tắt cho chuyến công du đầu tiên tới Israel kể từ khi nhậm chức của Tổng thống Biden vào hôm 13/7, đó sẽ là: Donald là ai?

Một năm rưỡi sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo Israel đã chào đón người kế nhiệm của ông bằng vòng tay lớn, như để chứng minh rằng tình cảm của họ với ông Trump không cản trở mối quan hệ thân thiết với tân tổng thống.

Tại buổi lễ trải thảm đỏ ở sân bay, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã gọi người đồng cấp Mỹ của mình là “anh trai Joseph của chúng tôi”, tuyên bố rằng ông Biden “thực sự là một thành viên trong gia đình”.

Về phần mình, Tổng thống Biden khẳng định “mối quan hệ của chúng tôi sâu sắc hơn bao giờ hết” và nói việc quay trở lại Đất Thánh (Israel) giống như “trở về nhà”.

Trên thực tế, những ngày như thế tại quê nhà không còn nhiều đối với ông Biden. Ông hiếm khi nhận được những lời khen ngợi hay những cái ôm yêu thương như vậy khi trở lại Mỹ, nơi số phiếu thăm dò đã giảm mạnh và thậm chí hầu hết thành viên đảng Dân chủ không muốn ông ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ, theo New York Times.

 Ông Biden phát biểu trong buổi lễ tại Sân bay Ben Gurion ở Israel. Ảnh: New York Times.

Ông Biden phát biểu trong buổi lễ tại Sân bay Ben Gurion ở Israel. Ảnh: New York Times.

Sự tiếp đón vui vẻ, nụ cười tươi vui, tiếng vỗ tay mà ông Biden nhận được trên đường băng của sân bay Ben Gurion là một điều gì đó rất đáng nhớ. Ngay cả cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người thích ông Trump đến mức đặt tên cho một khu định cư theo tên cựu tổng thống, đã chào đón ông Biden bằng cái bắt tay nồng nhiệt và kéo dài.

Thay đổi quan điểm

Chuyến đi của tổng thống Mỹ đang được dõi theo tại nhiều nơi trên khắp thế giới bởi đây có thể là dấu mốc về sự tiến triển trong mối quan hệ giữa Israel và Mỹ sau nhiệm kỳ tổng thống thất thường của ông Trump.

Ông Trump từng tự nhận mình là người ủng hộ nhiệt thành của Israel và là đồng minh của ông Netanyahu. Cựu tổng thống Mỹ đã chuyển đại sứ quán đến Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan và cắt viện trợ cho Palestine.

Điều này khiến Israel ngày càng trở thành một vấn đề mang tính đảng phái ở Mỹ. Trong khi đảng Cộng hòa bày tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ, các thành viên đảng Dân chủ đã ra sức chỉ trích các chính sách của nước này đối với Palestine.

Tuy nhiên, ông Biden cho biết ông muốn khôi phục sự ủng hộ truyền thống của đảng Dân chủ đối với Israel, ngay cả khi ông hy vọng nối lại vai trò trung gian hòa giải của Mỹ với Palestine.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Israel, ông đã bác bỏ một số tuyên bố của thành viên đảng Dân chủ, những người đã lên án Israel là một quốc gia phân biệt chủng tộc.

“Tôi nghĩ họ đã sai. Tôi nghĩ họ đang mắc sai lầm. Israel là một nền dân chủ. Israel là đồng minh của chúng tôi. Israel là một người bạn", ông chia sẻ với Channel 12 vài giờ trước khi lên máy bay tới Trung Đông.

 Ông Biden nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, trong khi Thủ tướng Yair Lapid theo dõi. Ảnh: New York Times.

Ông Biden nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, trong khi Thủ tướng Yair Lapid theo dõi. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, một số động thái gần đây dường như đã phản ánh những khác biệt cơ bản vẫn tồn tại giữa hai bên, đáng chú ý nhất là trong vấn đề Iran và Palestine.

Bất chấp căng thẳng Israel - Palestine, tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào ngày 15/7 tại Bờ Tây. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên kể từ năm 2017.

Không những vậy, những nỗ lực của ông Biden nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran mà ông Trump từ bỏ, đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ trong số các nhà lãnh đạo Israel. Nhiều người cho rằng Tehran sẽ khó mà tuân thủ các giới hạn trong thỏa thuận đối với chương trình hạt nhân.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Israel, ông Biden đã phải trấn an người Israel rằng bất cứ thỏa thuận nào với Iran cũng không “hy sinh” an ninh của họ.

“Điều tồi tệ hơn việc Iran tồn tại hiện nay là một Iran có vũ khí hạt nhân. Và nếu chúng tôi có thể quay trở lại thỏa thuận, chúng tôi có thể kiềm chế điều này”, ông nhấn mạnh.

“Tôi nghĩ rằng đó là một sai lầm to lớn khi vị tổng thống gần đây rút khỏi thỏa thuận. Giờ đây, Iran đang ở gần với vũ khí hạt nhân hơn so với trước đây”, ông Biden nói thêm.

Các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được kết quả và một trong những nhiệm vụ của chuyến đi sẽ là đảm bảo Mỹ sẽ đứng cùng phía với Israel, Saudi Arabia và các đối thủ khác của Iran nếu thỏa thuận thất bại.

Nhưng ông Biden vẫn hy vọng rằng cuộc đàm phán có thể thành công.

“Chúng tôi đã đặt nó lên bàn, chúng tôi đã thực hiện thỏa thuận, chúng tôi đã đề nghị. Bây giờ nó phụ thuộc vào Iran”, ông nói.

Theo các nguồn tin, một trong những vấn đề gây tranh cãi và cũng khó thỏa hiệp nhất là yêu cầu đưa Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách khủng bố. Tổng thống Biden đã bác bỏ điều này ngay cả khi nó có nguy cơ khiến cuộc đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc đổ vỡ.

Khi được hỏi liệu tuyên bố ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân đồng nghĩa sử dụng vũ lực, ông nhấn mạnh "có" nhưng cho rằng đây chỉ là giải pháp cuối cùng.

Hàn gắn quan hệ

Trong ngày đầu tiên tới thăm Israel, ông Biden đã có những động thái mang tính biểu tượng, khi tiếp nhận một bản tóm tắt về cách phòng thủ mới nhất của Israel trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và thăm đài tưởng niệm Yad Vashem dành cho các nạn nhân cuộc diệt chủng Holocaust.

 Tổng thống Biden vòng tay qua Tổng thống Israel Isaac Herzog khi ông nói chuyện với hai người sống sót sau cuộc diệt chủng Holocaust tại Yad Vashem. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Biden vòng tay qua Tổng thống Israel Isaac Herzog khi ông nói chuyện với hai người sống sót sau cuộc diệt chủng Holocaust tại Yad Vashem. Ảnh: New York Times.

Trong số các vũ khí được trưng bày với tổng thống Mỹ tại sân bay, có nguyên mẫu của hệ thống phòng thủ laser mới mà các nhà lãnh đạo Israel mô tả như một yếu tố chiến lược thay đổi cuộc chơi.

Vũ khí Tia Sắt (Iron Beam) là kết quả của hai thập kỷ nghiên cứu và thử nghiệm, giúp bổ sung cho hệ thống đánh chặn tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome). Dù có thể mất vài năm nữa mới được triển khai, các quan chức cho biết công nghệ laser có thể tiêu diệt tên lửa, đạn cối, máy bay không người lái và cả tên lửa chống tăng.

Việc ông Biden tập trung vào dự án phát triển chung giữa Israel và Mỹ về Vòm Sắt, Tia Sắt quan trọng về mặt chiến lược như một biểu tượng. Vòm Sắt có hiệu quả đáng kể trong việc bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa, trong khi Tia Sắt giúp hạ gục máy bay không người lái với hệ thống laser.

Với ông Biden, đó cũng là một cách để chính phủ Israel tham gia nhiều hơn với Mỹ trong các nhiệm vụ quan trọng. Điều đó đã được thấy kể từ khi cựu Tổng thống George Bush lôi kéo Israel vào một hoạt động chung của Mỹ nhằm phá hủy các máy ly tâm hạt nhân của Iran bằng vũ khí mạng có tên “Stuxnet”.

Sau chuyến thăm tới Israel, ông Biden sẽ bay tới Saudi Arabia, nơi ông gặp Thái tử Mohammed bin Salman.

Ngay trước chuyến thăm, trong một bài viết đăng tải trên Washington Post, ông Biden cho biết ông sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên bay thẳng từ Israel tới một quốc gia Arab không công nhận Nhà nước Do Thái.

Động thái này mang tính chất biểu tượng về các mối quan hệ đang chớm nở và bước đi hướng tới tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do Thái và thế giới Arab.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng công khai ý định giúp Israel và Saudi Arabia hàn gắn quan hệ, đồng thời tuyên bố các lãnh đạo khu vực có thể phối hợp, hướng tới một Trung Đông hội nhập và ổn định.

Bố nạn nhân vụ xả súng bật dậy ngắt lời ông Biden Giữa lúc Tổng thống Biden phát biểu mừng đạo luật kiểm soát súng đạn mới được thông qua, một người đàn ông có con trai chết trong vụ xả súng Parkland năm 2018 bật dậy ngắt lời.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-canh-trai-nguoc-voi-my-khi-ong-biden-den-israel-post1335655.html