Tỉnh Hòa Bình sẵn sàng cho cuộc diễn tập phòng thủ dân sự

'Diễn tập phòng thủ dân sự (PTDS) năm 2023 của tỉnh Hòa Bình có quy mô lớn, phạm vi rộng, là một nội dung mới, tính chất quan trọng với nhiều lực lượng, thành phần tham gia, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Với nhiều nội dung, nhiều công việc nên cấp trên và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao với quyết tâm bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đến thời điểm này, tỉnh Hòa Bình đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho cuộc diễn tập và sẵn sàng vào trận", Đại tá Đinh Đình Trường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo diễn tập PTDS tỉnh Hòa Bình chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND).

PV: Thưa đồng chí, công tác PTDS được tỉnh Hòa Bình quán triệt và triển khai thực hiện như thế nào?

Đại tá Đinh Đình Trường: PTDS là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã được thể chế hóa thành Luật PTDS để triển khai thực hiện thống nhất trong cả nước; là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây cũng là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

PTDS cũng là một nội dung trong phòng thủ quốc gia, bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ trước để khi có tình huống xảy ra, theo kế hoạch thống nhất, chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm an toàn hoặc hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người và tài sản.

 Đại tá Đinh Đình Trường. Ảnh: MẠNH HÙNG

Đại tá Đinh Đình Trường. Ảnh: MẠNH HÙNG

Nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng đó, những năm qua, công tác PTDS luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện với nhiều biện pháp, việc làm cụ thể. Cùng với tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về PTDS đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Luật PTDS mới được Quốc hội khóa XV thông qua và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về PTDS, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai chuẩn bị các kế hoạch về PTDS, nhất là phương án phòng, chống thiên tai và cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, huấn luyện về PTDS, sẵn sàng ứng phó, khắc phục các sự cố, thiên tai, thảm họa.

Qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân về PTDS; góp phần để những năm qua tỉnh Hòa Bình luôn chủ động trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai một cách hiệu quả; giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai.

PV: Việc tổ chức cuộc diễn tập PTDS năm 2023 có ý nghĩa như thế nào đối với tỉnh Hòa Bình, thưa đồng chí?

Đại tá Đinh Đình Trường: Diễn tập PTDS là hình thức huấn luyện tổng hợp nhằm nâng cao trình độ, năng lực chỉ huy, hiệp đồng của cán bộ các cấp. Thông qua diễn tập để kiểm nghiệm, đánh giá kết quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của LLVT; khả năng bảo đảm, tham gia ứng phó của các sở, ngành, địa phương với thiên tai, thảm họa; đồng thời, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định 02 của Chính phủ về PTDS, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về PTDS, nhất là trong công tác phòng, chống và xử lý các sự cố, thảm họa thiên tai có thể xảy ra.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình kiểm tra công tác chuẩn bị tại khu vực cứu chữa người gặp nạn trong diễn tập phòng thủ dân sự. Ảnh: MẠNH HÙNG

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình kiểm tra công tác chuẩn bị tại khu vực cứu chữa người gặp nạn trong diễn tập phòng thủ dân sự. Ảnh: MẠNH HÙNG

Cuộc diễn tập PTDS ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập hồ Thủy điện Hòa Bình năm 2023 chính là dịp để luyện tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, phối hợp hiệp đồng của các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ các cấp; phát huy vai trò tham mưu, đề xuất và khả năng bảo đảm, tham gia ứng phó với thiên tai, thảm họa của các sở, ngành, địa phương. Đây cũng là dịp để huấn luyện cho các đối tượng, các lực lượng trong khu vực phòng thủ tỉnh về sự phối hợp hiệp đồng, phát huy tính chủ động ứng phó với thiên tai, thảm họa; nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của LLVT trong thời bình, nhất là trong khắc phục hậu quả thiên tai; làm cơ sở đề xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch ứng phó với lũ lớn, động đất ảnh hưởng đến an toàn đập hồ Thủy điện Hòa Bình là tình huống rất thiết thực, sát với thực tế của tỉnh.

Có thể khẳng định, trước những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của thiên tai, nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa cao thì việc tổ chức diễn tập PTDS là hết sức cần thiết, nhất là đối với địa phương có công trình thế kỷ liên quan đến an ninh quốc gia như tỉnh Hòa Bình.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình đã phát huy vai trò tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh như thế nào để cuộc diễn tập lần này thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra?

Đại tá Đinh Đình Trường: Căn cứ vào chỉ đạo và các quyết định của cấp trên về việc tổ chức diễn tập PTDS ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập hồ Thủy điện Hòa Bình năm 2023, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình với vai trò là cơ quan tham mưu, thường trực và lực lượng nòng cốt đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các lực lượng có liên quan tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 22-12-2022 về tăng cường sự lãnh đạo đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương năm 2023, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp lãnh đạo diễn tập PTDS.

Là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo diễn tập tỉnh, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch diễn tập PTDS ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập hồ Thủy điện Hòa Bình và đã được Bộ tư lệnh Quân khu 3 phê chuẩn. Tiếp đó, Bộ CHQS tỉnh chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ diễn tập. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực, lực lượng chủ chốt tham gia diễn tập, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức quán triệt, phổ biến nhiệm vụ và các nội dung diễn tập đến 100% cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm; tổ chức huấn luyện và xây dựng quyết tâm cao cho các lực lượng tham gia, phục vụ diễn tập.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham mưu với Ban chỉ đạo diễn tập PTDS tỉnh Hòa Bình phát động đợt thi đua cao điểm trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập; phát huy cao nhất năng lực, trình độ, phương tiện của các lực lượng tham gia; chuẩn bị tốt các hoạt động tuyên truyền, cổ động để lan tỏa ý nghĩa cuộc diễn tập tới nhân dân trong và ngoài tỉnh. Có thể nói, tính đến thời điểm này, mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất, tỉnh Hòa Bình đã sẵn sàng cho cuộc diễn tập PTDS năm 2023.

PV: Được biết, diễn tập PTDS tỉnh Hòa Bình có quy mô lớn với nhiều nội dung mới và có sự tham gia của nhiều lực lượng, đòi hỏi rất cao về sự phối hợp, hiệp đồng. Đồng chí đánh giá như thế nào về sự phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng trong công tác chuẩn bị diễn tập?

Đại tá Đinh Đình Trường: Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Tỉnh ủy Hòa Bình đã có Chỉ thị số 32-CT/TU, trong đó nhấn mạnh, đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn, phạm vi rộng, là một nội dung mới, tính chất quan trọng, nhiều lực lượng cùng tham gia... Quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc chuẩn bị và tổ chức tốt cuộc diễn tập PTDS ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập hồ Thủy điện Hòa Bình, thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đối với từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, đơn vị.

 Kiểm tra công tác chuẩn bị của các lực lượng tham gia diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình. Ảnh: MẠNH HÙNG

Kiểm tra công tác chuẩn bị của các lực lượng tham gia diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình. Ảnh: MẠNH HÙNG

Công tác hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra chuẩn bị diễn tập được tiến hành chặt chẽ, gắn trách nhiệm cụ thể đến từng cán bộ phụ trách. Suốt quá trình đó, Bộ CHQS tỉnh luôn phát huy vai trò cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt trong công tác tham mưu với lãnh đạo tỉnh và đầu mối trong phối hợp, hiệp đồng, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị làm công tác chuẩn bị diễn tập.

Chúng tôi xác định, việc phối hợp, hiệp đồng khi làm công tác chuẩn bị và trong quá trình thực hành diễn tập cũng là điều kiện để nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chỉ huy, điều hành của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và PTDS. Qua công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ sẽ tạo sự đồng thuận, thống nhất của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn và các lực lượng liên quan trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập PTDS. Quá trình làm công tác chuẩn bị, toàn tỉnh thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo "Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả thiên tai nhanh, có hiệu quả, lấy phòng là chính”, vận dụng phương châm "4 tại chỗ” sát thực tế, hiệu quả cao với nguyên tắc "thống nhất chỉ huy, kiên quyết triệt để và kịp thời; tập trung lực lượng có trọng điểm”.

Nhờ có sự chủ động phối hợp, hiệp đồng với tinh thần chung tay thực hiện nhiệm vụ của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, tỉnh Hòa Bình đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng tổ chức thực hành diễn tập PTDS năm 2023 bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

QUANG ĐÔNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tinh-hoa-binh-san-sang-cho-cuoc-dien-tap-phong-thu-dan-su-738271