Tình hữu nghị thủy chung, trong sáng - tài sản quý báu của hai dân tộc Việt – Nga

BHG - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Cộng hòa liên bang Nga Vladimia Putin đến thăm cấp Nhà nước Việt Nam trong hai ngày 19 và 20 (thực tế từ 1h45’ sáng đến 12h khuya ngày 20 tháng 6 năm 2024). Nhân dịp 30 năm ký kết Hiệp ước cơ bản về tình hữu nghị Nga - Việt (16/6/1994-16/6/2024). Thời gian không dài, nhưng với sự đón tiếp trọng thể và chân tình, với nhiều hoạt động liên tục, phong phú, Tổng thống V.Putin đã để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp và điểm nhấn đặc biệt trong lòng Nhân dân Việt Nam.

Trong hoàn cảnh thế giới rất phức tạp, Nga và Ukraina đang có chiến tranh, bản thân Putin đang bị Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ra lệnh bắt, thế mà Việt Nam vẫn mời V.Putin sang thăm và V.Putin đàng hoàng đến Việt Nam với tư cách là vị khách đặc biệt, nguyên thủ quốc gia một nước đang bị phương Tây cấm vận trên 18.000 lệnh trừng phạt.

Sự kiện hiếm có này làm dấy lên nhiều quan điểm khác nhau trên thế giới và trong nước. Hãy nhìn vào hiệu quả của chuyến thăm để hiểu rõ thực chất.

1) Tình hữu nghị thủy chung trong sáng hiếm có giữa Việt Nam - Liên Xô trước đây và với Liên bang Nga hiện nay.

- Tình hữu nghị được bắt nguồn sâu xa từ việc Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước khi Người bắt gặp “Sơ thảo luận cương về những vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin (năm 1919) và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917). Từ đó đã hình thành lý tưởng và con đường cách mạng để Việt Nam đứng lên giải phóng dân tộc theo học thuyết Mác-Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Rồi nhờ Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức, nắm bắt thời cơ Việt Nam đã đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Tiếp đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Liên Xô luôn giúp đỡ một cách vô tư, toàn diện góp phần quan trọng vào thắng lợi giành độc lập giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước Việt Nam. Tiếp đến Liên Xô và Liên bang Nga giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình kinh tế trọng điểm về thủy điện, dầu khí, giao thông vận tải, quốc phòng - an ninh, giúp đào tạo nhân lực và khoa học công nghệ; giúp Việt Nam vượt qua khó khăn thời bao cấp cũng như tiến hành công cuộc đổi mới ngày nay.

- Có thể nói mối tình hữu nghị Liên Xô và Liên bang Nga với Việt Nam không hề có chút gợn; hơn thế càng được củng cố và vươn lên tầm cao mới, vượt qua mọi trắc trở, hoạn nạn. Như là khi Việt Nam chống thực dân Pháp vào năm 1950 Liên Xô là một trong những nước đầu tiên đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Khi Việt Nam giúp Cămpuchia chống bè lũ diệt chủng bị thế giới bao vây cấm vận, thì vào năm 1978 Liên Xô ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị với Việt Nam; Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vào năm 1979, Liên Xô đã tận tình giúp đỡ Việt Nam v.v...

- Sau khi Liên Xô bị sụp đổ quan hệ Việt Nam với Liên bang Nga vẫn được duy trì và phát triển trong điều kiện mới. Tổng thống V.Putin và các nhà Lãnh đạo Nga luôn coi Việt Nam là đồng chí, là người bạn thủy chung. Năm 2012 Nga là nước đầu tiên nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện. Nga là nước bán gần 70% vũ khí hiện đại cho Việt Nam, tiếp tục mở rộng khai thác dầu khí, công bố xóa hết nợ (gần 11 tỷ USD) cho Việt Nam. Biết rõ âm mưu của phương Tây dùng Ukraina làm con bài chống phá hòng làm tan rã cộng đồng các dân tộc Liên bang Nga, Nga đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Trước tình hình đó, quan hệ hợp tác Việt - Nga vẫn được cũng cố và duy trì trên cơ sở tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.

2) Điểm nhấn có ý nghĩa đặc biệt.

- Đây là lần thứ 5 Tổng thống Nga V.Putin sang thăm Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện (tháng 9/2023). Tháng 12/2023 Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt - Trung và nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện lên “Cộng đồng chia sẻ tương lai”. Vào thời gian này Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia. Đây thực sự tạo nên thế cân bằng và chứng tỏ vị thế mới Việt Nam trong quá trình hình thành một thế giới đa cực.

- Đúng là chưa lúc nào mà Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như lúc này. Việt Nam đồng thời có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và bình đẳng với Trung Quốc, Mỹ và Nga, điều mà làm cho hầu hết các nước trên thế giới phải ngỡ ngàng và thán phục. Đây là kết quả của đường lối “ngoại giao cây tre”, chính sách hợp tác đa phương hóa và đa dạng hóa giữ vững nền độc lập với quan điểm “4 không” của Việt Nam đang đi vào cuộc sống rất hiệu quả.

3) Tổng thống V.Putin và Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga đã thành công rất tốt đẹp.

Kết quả chuyến thăm đã được nêu rõ trong Tuyên bố chung và 11 Văn kiện được ký kết. Hợp tác Nga - Việt bao gồm trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục - đào tạo, công nghệ. Đặc biệt thống nhất cao về quan điểm đối với những vấn đề nóng trong khu vực và quốc tế. Mở rộng hợp tác an ninh - quốc phòng, tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí, khí hóa lỏng và khí đốt; Nga hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu công nghệ hạt nhân, năng lượng sạch, năng lượng xanh; tiếp tục mở rộng việc thanh toán thương mại dịch vụ giữa hai nước bằng đồng tiền nội tệ (năm 2023 đạt 40%, quý I năm 2024 là 60%)… Nhận thấy tiềm năng, lợi thế, dư địa, hợp tác trên các lĩnh vực giữa 2 nước còn nhiều, nhưng chưa được khai thác hết nếu không nói là còn hạn chế (mới đạt khoảng 3,65 tỷ USD). Bởi thế cần phải tiếp tục đưa hợp tác hai nước vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả, cần tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp ở hai nước hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực hơn nữa, tạo điều kiện để công dân Việt Nam ở Nga và công dân Nga ở Việt Nam có cơ hội sống, học tập, làm việc, lao động và kinh doanh thuận lợi…

Có thể nói với chính sách đối nội và đối ngoại bản lĩnh, linh hoạt và sự quyết đoán của Tổng thống V.Putin nước Nga đã vượt qua sự bao vây chống phá của phương Tây, Nga đang nổi lên thành một cường quốc thế giới, phấn đấu để có quy mô kinh tế vượt Đức, Nhật và đứng vào tốp 4 (Mỹ - Trung - Ấn - Nga). Nước Nga hiên ngang, đứng vững và đang phát triển như V.Putin đã tuyên bố “Vượt qua sự trừng phạt, đang ở giai đoạn phục hồi và trên đà phát triển nhanh”.

Việt Nam vui mừng trước những thành công của nước Nga, đón tiếp Tổng thống Nga bằng tình cảm hữu nghị quý báu, bền chặt, thủy chung hiếm có. Về nước Tổng thống V.Putin đã gửi điện cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp đón rất trọng thể, in đậm những ấn tượng tốt đẹp nhất. Tình cảm đó được khơi nguồn từ Cách mạng Tháng Mười tiếp tục được phát huy theo dòng lịch sử; là tài sản vô giá của hai dân tộc mãi mãi sáng ngời.

TS. Đặng Duy Báu

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/dong-su-kien/202407/tinh-huu-nghi-thuy-chung-trong-sang-tai-san-quy-bau-cua-hai-dan-toc-viet-nga-5f1602a/