Tỉnh nào có tên huyện trùng với tên cù lao?

Vùng đất ở miền Tây Nam Bộ này nằm tách biệt hẳn với đất liền, có đặc thù sinh thái tự nhiên rất đa dạng.

1. Tỉnh nào có tên huyện trùng với tên cù lao?

Sóc Trăng
Bạc Liêu
Trà Vinh
Bến Tre

Chính xác

Sóc Trăng có huyện Cù Lao Dung được thành lập năm 2002 với diện tích gần 250km2. Huyện như một cù lao lớn, nằm giữa 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, nhưng thực tế bao gồm 3 hòn cù lao nhỏ là Cù lao Tròn, Cù lao Dung và Cù lao Cồn Cộc gộp lại.

Vùng đất này có đặc thù sinh thái tự nhiên rất đa dạng, là địa phương duy nhất của tỉnh còn các loài động vật quý hiếm sinh sống tự nhiên. Theo thống kê của ngành kiểm lâm, dưới tán rừng phòng hộ ven biển Cù Lao Dung có hơn 10 đàn khỉ, rái cá, dơi, cò cư trú.

2. Người dân vùng Cù Lao Dung từng trồng nhiều loại cây gì?

Nho
Mía
Táo
Vú sữa

Chính xác

Cù Lao Dung có lợi thế rất lớn với 3 vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn để phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Mảnh đất này còn được mệnh danh là “cù lao mía”, bởi đây là vùng trồng mía lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng, có lúc lên 8.000 ha. Tuy nhiên sau đó, do giá mía giảm sâu, diện tích mía dần bị thu hẹp để chuyển sang trồng cây ăn trái hay các loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

3. Vùng này còn được mệnh danh là gì?

Vương quốc hành tím
Vương quốc trái cây
Vương quốc bần
Vương quốc trầu lá

Chính xác

Cù lao Dung là nơi có rừng bần phòng hộ lớn và dài nhất cả nước, với diện tích khoảng 2.600ha gồm rừng nguyên sinh và rừng trồng. Do đó, nơi đây còn được mệnh danh là “Vương quốc bần” miền Tây. Cây mọc tự nhiên ven sông, kênh rạch và có sức sống mạnh mẽ. Dù ở môi trường nào, bần đều bén rễ và phát triển tốt, giúp giữ đất, cân bằng hệ sinh thái và là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật như tôm, cua, cá...

4. Dân tộc nào số đông nhất ở Sóc Trăng?

Kinh, Khmer, Thái
Kinh, Chăm, Hoa
Kinh, Chăm, Khmer
Kinh, Khmer, Hoa

Chính xác

Ở Sóc Trăng, người Kinh chiếm tỷ lệ khoảng 65%. Đây cũng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer (khoảng 29%), người Hoa (khoảng 6%). Ngoài ra, tỉnh còn là nơi sinh sống của người Nùng, Thái, Chăm. Do đó, đời sống và sinh hoạt văn hóa của người dân Sóc Trăng phong phú.

5. Chợ nổi nào nằm ở Sóc Trăng?

Cái Bè
Ngã Ba
Ngã Năm
Ngã Bảy

Chính xác

Chợ nổi Ngã Năm thuộc thị xã Ngã Năm. Sở dĩ có tên gọi này vì khu chợ nằm đúng vị trí giao điểm của 5 nhánh sông đi 5 ngả: Cà Mau, Phụng Hiệp, Thạnh Trị, Long Mỹ, Vĩnh Quới. Khu chợ này thường họp từ 4 đến 5h sáng. Đông đúc nhất thường từ 6h đến 7h với cảnh hàng trăm ghe thuyền tụ họp, huyên náo cả bến sông. Chợ Ngã Năm cũng là điểm trung chuyển hàng hóa của người dân các tỉnh. Hầu hết hoạt động buôn bán, sinh hoạt đều diễn ra trên ghe.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-nao-co-ten-huyen-trung-voi-ten-cu-lao-2218148.html