Tỉnh táo trước chiêu 'làm giá' hàng sale dịp Black Friday

Dù không phải chiêu trò mới nhưng việc nâng giá lên cao rồi giảm xuống đã đánh lừa được nhiều người tiêu dùng. 'Bẫy' mua sắm không thực sự khiến người mua tiết kiệm tiền mà ngược lại càng làm 'cháy túi' hơn.

Black Friday (còn gọi là Ngày thứ Sáu đen tối) là ngày đại hội giảm giá được những người ưa thích mua sắm mong đợi nhất trong năm. Năm nay, Black Friday sẽ diễn ra vào thứ Sáu, ngày 24/11.

Cùng với các chương trình giảm giá, người tiêu dùng có thể săn được những món đồ gia dụng, đồ điện tử hay đồ thời trang với mức giá được cho là siêu hời.

Giảm giá ảo

Theo ghi nhận của PV, dù 1 tuần nữa mới đến ngày Black Friday nhưng nhiều thương hiệu, cửa hàng lớn nhỏ đã bắt đầu chương trình giảm giá với đủ loại mặt hàng như thời trang, mỹ phẩm, trang sức, đồ gia dụng, đồ điện tử…

Các tấm biển băng rôn giảm giá như “giảm giá sốc”, “siêu bão sale”, “giảm giá đến 70%”, “sale chạm đỉnh - giá chạm đáy”...được trưng bày tại hầu hết các cửa hàng lớn nhỏ khiến không khí ngày hội mua sắm lớn nhất năm khá sôi động.

 Cửa hàng thời trang đồng loạt treo biển giảm giá nhân ngày Black Friday.

Cửa hàng thời trang đồng loạt treo biển giảm giá nhân ngày Black Friday.

Các siêu thị điện máy lớn như Nguyễn Kim, MediaMart, Pico,... cũng đã áp dụng mức ưu đãi từ 35-50% và đưa ra mức giá đặc biệt cho nhiều sản phẩm khác. Đồng thời, đi kèm với giá ưu đãi là các gói quà tặng hấp dẫn, hay những voucher mua hàng giảm giá cho lần sau,

Riêng với mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, trên các tuyến phố như Chùa Bộc, Xuân Thủy, Bà Triệu… đều trưng biển "Sale off" từ 50-70%. Thậm chí có những cửa hàng còn treo biển giảm giá “sập sàn” lên tới 80 - 90%.

Tại các trang thương mại điện tử, không khí mua sắm cũng vô cùng sôi động với hàng nghìn mặt hàng đều được đăng tải giảm giá 50- 70%.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng tỏ ra khá thờ ơ với các chiêu khuyến mãi sâu ngày Black Friday.

Chia sẻ trải nghiệm mua hàng, chị Hoàng Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết bản thân từng bị “hớ” khi mua sắm ngày Black Friday.

“Năm ngoái tôi hí hửng săn được một chiếc nồi chiên không dầu với mức giảm 50%. Tuy nhiên, khi về nhà tham khảo giá thị trường, tôi mới ngã ngửa vì giảm như không giảm, thậm chí giá ưu đãi còn đắt hơn vài trăm nghìn so với giá ngày thường” - chị Yến chia sẻ.

Trên thực tế, không ít các cửa hàng đã lợi dụng ngày hội mua sắm để đẩy giá hàng lên cao rồi gắn mác sale để lừa dối người tiêu dùng.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Hà Phương (23 tuổi, Hà Nội) từng làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng thời trang cho biết, cửa hàng đã thổi phồng giá sản phẩm lên cao rồi lại treo biển giảm giá sâu. Vì vậy, dù giảm giá đến 90% nhưng thực tế, bằng chiêu trò này, cửa hàng vẫn lãi đậm.

Thêm vào đó, một số cửa hàng còn trà trộn hàng tồn kho, hàng kém chất lượng để tranh thủ bán những ngày Black Friday khiến không ít trường hợp “dở khóc, dở cười” vì mua hàng ngày lễ hội giảm giá.

Cháy túi vì săn sale

Đại hội giảm giá lớn nhất năm khiến cho người tiêu dùng choáng ngợp bởi hàng loạt các chương giảm giá siêu sốc. Trước những món đồ có giá siêu rẻ, nhiều người chấp nhận xuống tiền dù trước đó không nằm trong danh sách mua sắm.

 Không ít người “cháy túi” vì săn sale.

Không ít người “cháy túi” vì săn sale.

Vì vậy, người tiêu dùng rất dễ rơi vào tình trạng mua rất nhiều, trong đó có những món đồ rất ít sử dụng.

Vừa mới qua ngày sale 11/11, chị Hồng Ngọc (Nghệ An) lại tiếp tục canh ngày để mua thêm các mặt hàng giảm giá khác. Những ngày này, chị liên tục nhận đồ đã mua, thậm chí chị Ngọc còn không nhớ cụ thể đồ đã đặt mua.

“Sau 11/11, tôi đặt khoảng 20 món đồ, trong đó cả đơn 1k, 11k, 99k. Từ thời gian đó trở lại đây, tôi vẫn tiếp tục đặt thêm vì nhiều cửa hàng vẫn giữ ưu đãi. Sự thật là có những đơn tôi chưa hề bóc hàng nhưng tâm lý ham rẻ vẫn khiến tôi muốn mua thêm dù đó không phải là đồ cần thiết” - chị Ngọc chia sẻ.

Để không phải cháy túi trong dịp Black Friday, chị Hoài Linh (Hà Nội) cho rằng, trước hết cần phân biệt được cái cần và muốn, cần thì có giới hạn nhưng muốn thì bạt ngàn. Sau đó, lên danh sách những món đồ cần mua là điều vô cùng cần thiết.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của chị Linh, người tiêu dùng không nên quan tâm quá nhiều đến mức giảm giá mà nên tham khảo, so sánh giá từ nhiều nơi để biết được giá thật của sản phẩm nhằm tránh rơi vào bẫy mua sắm..

Với những đồ điện tử, người tiêu dùng nên cân nhắc thời gian bảo hành, các chính sách đổi trả của cửa hàng và kiểm tra thật kĩ các thông số kĩ thuật, thông tin sản phẩm, giấy tờ kèm theo để tránh mua phải hàng lỗi.

Bài và ảnh: Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tinh-tao-truoc-chieu-lam-gia-hang-sale-dip-black-friday-post272923.html